Rủi ro tiềm ẩn sau những khoản vay từ Trung Quốc

Minh Nhật - 12:47, 23/08/2020

TheLEADERNhiều nền kinh tế đang phát triển lựa chọn vay của Trung Quốc vì điều kiện giải ngân thoáng hơn dù lãi suất các khoản vay cao và nguy cơ bị trói buộc vào các vấn đề ngoại giao.

Các khoản vay từ Trung Quốc cho 68 quốc gia đang phát triển nằm trong Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (Debt Service Suspension Initiative) của Ngân hàng thế giới (WB) và nhóm G20 đã gia tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2014 – 2018, theo dữ liệu phân tích nợ quốc tế 2020 của WB.

Mức tăng trưởng cao trên đã đẩy tổng giá trị cho vay từ Trung Quốc lên gần bằng mức của WB.

Cụ thể, tổng giá trị dư nợ mà Trung Quốc cho vay 68 quốc gia trong danh sách trên đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2018, bao gồm các khoản chính thức và không chính thức. Trong khi đó, mức cho vay từ WB đối với cùng nhóm đối tượng và tính đến cùng thời điểm đạt khoảng 103 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị cho vay từ Trung Quốc đạt tới 90% trong vòng 4 năm tính đến hết năm 2018, vượt xa con số 40% của WB và 10% của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Sự gia tăng khoản vay trên đồng nghĩa với sức ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh trên toàn cầu. Trong khi đó, với các “con nợ”, khoản vay mang đến rủi ro cao rơi vào bẫy nợ, bị ràng buộc với những mục tiêu chính sách đối ngoại cũng như các sáng kiến được khởi xướng bởi Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng vốn đã lan tỏa nhiều năm qua của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn hơn đối với nhóm quốc gia đang phát triển khi không ít nền kinh tế phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh để có thể chống lại dịch bệnh Covid-19.

Trong số 68 quốc gia trên, có tới 26 cái tên đang có khoản nợ Trung Quốc vượt quá 5% GDP và tác động tiềm ẩn của các khoản vay này vừa qua đã được thể hiện khi 14 nước nằm trong nhóm này ủng hộ Luật an ninh quốc gia Hồng Kông từng gây ra nhiều động thái trái chiều vào tháng 6 vừa qua, Nikkei cho hay.

Đáng chú ý, 14 quốc gia ủng hộ trên đều nằm trong nhóm có khoản nợ với Trung Quốc lên đến hơn 10% GDP, thậm chí Djibouti thuộc khu vực Đông châu Phi còn nợ Bắc Kinh với tổng giá trị lên tới 39% GDP.

Không chỉ vậy, các khoản vay của Trung Quốc còn có mức lãi suất cao, trung bình khoảng 3,5% với thời hạn tín dụng tương đối ngắn. Mức lãi suất này cao hơn gấp nhiều lần mức 0,6% của Quỹ tiền tệ quốc tế và 1% của WB.

Dù vậy, các quốc gia đang phát triển vẫn lựa chọn vay của Trung Quốc bởi việc giải ngân không yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe như các tổ chức tài chính khác.

Rủi ro tiềm ẩn 

Không ít quan ngại đã được đưa ra về khả năng Trung Quốc lợi dụng việc cho vay, đưa các nền kinh tế đang phát triển vào nợ nần và phụ thuộc.

Năm 2017, Sri Lanka buộc phải bằng lòng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm sau khi quốc gia này khó khăn trong việc trả các khoản nợ phát sinh từ quá trình xây dựng chính cảng này.

Một số nước khác đang cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn vay nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế hàng đầu thế giới. Angola ở khu vực Tây Nam châu Phi đã nhận khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả tổ chức này, cùng với WB, lo ngại khoản tiền được chuyển đến các quốc gia đang phát triển chỉ đơn giản là dùng để trả khoản nợ với Trung Quốc.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề nợ nần trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ khi các con nợ có thể sẽ cắt giảm chi phí cho y tế công cộng do nền kinh tế đình trệ hoặc sử dụng tiền vào các mục tiêu kích cầu, từ đó làm tăng nguy cơ số ca nhiễm diễn biến đột biến.

Trong báo cáo có tên “China’s Overseas Lending: A Response to Our Critics” hồi đầu tháng 5 vừa qua công bố bởi Center for Global Development (Trung tâm vì phát triển toàn cầu) – một think tank (tổ chức nghiên cứu, phân tích, tư vấn chính sách) tại Washington, các tác giả chỉ ra rằng Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển.

Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ nỗ lực nào nhằm cung cấp các khoản giãn nợ, giảm nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất sau Covid-19 đều phải có sự góp mặt từ Trung Quốc.

"Việc giảm nợ, xóa nợ có hiệu quả nhất thiết cần phải phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra. Hơn nữa, nhu cầu minh bạch cũng được đẩy lên mức cao, đảm bảo rằng việc giảm nợ được tiến hành để đối phó với đại dịch Covid-19 thay vì trả các khoản vay có từ trước với Trung Quốc", báo cáo nhấn mạnh.

Công ty nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định áp lực gia hạn các khoản vay, thậm chí là xóa sổ khoản vay sẽ ngày càng gia tăng với Trung Quốc trong bối cảnh có các điều kiện bất khả kháng như thiên tai, đại dịch ngăn cản một bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, cụ thể là trả nợ.

Việc xóa nợ trên diện rộng có thể tạo ra những phản hồi tiêu cực, từ đó giảm khuyến khích hoạt động cho vay của Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay và sang năm 2021, CNBC dẫn đánh giá của EIU.

Simon Leung, đối tác tài chính và ngân hàng của Công ty luật Baker McKenzie, cho biết phần lớn khoản vay từ Trung Quốc được thực hiện thông qua hai ngân hàng có liên kết chặt chẽ với chính phủ nước này là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Các ngân hàng này đều có sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ chính phủ, do đó các cuộc đàm phán lại khoản nợ giữa Bắc Kinh với các con nợ có thể liên quan đến đối thoại chính trị, vị này nhận định.