Sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang

Hường Hoàng - 07:03, 18/09/2022

TheLEADERChẳng ai có thể nghi ngờ được giá trị tri thức khổng lồ của những sản phẩm trong ngành thời trang, cho dù đó là thời trang may sẵn hay thời trang cao cấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thời trang vừa và nhỏ vẫn còn chưa chú ý đến việc bảo vệ những tài sản trí tuệ đó.

Sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang
Bản phác họa thiết kế thời trang của tác giả Rong rong DeVoe

Họa tiết medusa trên trang phục của Versace, váy cưới của Vera Wang, giày boot của Dr.Martens - tất cả đều là những sản phẩm sáng tạo và kỹ năng ứng dụng trí tuệ trong ngành công nghiệp thời trang.

Trong môi trường kinh doanh hiện nay, những đổi mới và sáng tạo độc đáo là lợi thế cạnh tranh chính của tất cả các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp trong ngành thời trang. Các nhà quản lý doanh nghiệp cần xác định được những tài sản vô hình đó một cách kịp thời, xác định mức độ phù hợp của những tài sản này với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sau đó bảo vệ và tận dụng những tài sản đó thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT).

Bài viết này sẽ đề xuất một chiến lược quản lý và sử dụng quyền SHTT nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển quan hệ đối tác kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành thời trang.

Kiểu dáng công nghiệp

Trọng tâm của thời trang là những thiết kế tươi mới, ấn tượng. Trong số các công cụ SHTT, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được coi là công cụ quan trọng nhất trong ngành thời trang. Chủ sở hữu thiết kế có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để ngăn chặn những người khác sử dụng các họa tiết trang trí, hay khía cạnh thẩm mỹ của sản phẩm. Đó có thế là yếu tố ba chiều (hình dạng của chiếc mũ) hoặc một đặc điểm hai chiều (chẳng hạn như hình dệt, hình in) của sản phẩm. Ở một số quốc gia, luật bản quyền có thể sẽ bảo vệ thiết kế thời trang như là tác phẩm nghệ thuật ứng dụng.

Mỗi mùa, ngành công nghiệp thời trang lại đổ một lượng tiền lớn để tạo ra những thiết kế độc đáo mới. Mặc dù đầu tư rất nhiều, các doanh nghiệp thời trang ít khi đăng ký bảo hộ những thiết kế này, bởi họ cho rằng vòng đời của sản phẩm thời trang rất ngắn, thường không quá một mùa từ sáu đến mười hai tháng. Bên cạnh đó, thời gian xử lý các đơn đăng ký thường khá lâu và chi phí đăng ký cũng tương đối cao.

Tuy vậy, không phải mẫu thiết kế nào cũng sẽ gặp phải những vấn đề này. Đăng ký bảo hộ sẽ giúp doanh nghiệp ngăn chặn người khác sao chép mẫu thiết kế của họ, đồng thời là bằng chứng giúp họ chống lại những đối thủ cạnh tranh vi phạm. Hơn nữa, hoạt động bảo hộ thiết kế không phải lúc nào cũng tiêu tốn quá nhiều tiền. Một số quốc gia và khu vực, chẳng hạn như Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU) có hình thức bảo hộ chưa đăng ký trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Kiểu dáng công nghiệp

Hình thức bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký là một công cụ cực kỳ hữu ích cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp kinh doanh thời trang có ngân sách hạn chế và tất cả những người muốn thử nghiệm thiết kế mới của họ trên thị trường trước khi đăng ký sở hữu trí tuệ. EU bảo hộ cho những kiểu dáng công nghiệp như vậy trong thời hạn tối đa là ba năm, kể từ lần đầu tiên thiết kế được công bố rộng rãi ở bất kỳ quốc gia nào trong số 25 quốc gia của EU.

Mặc dù có những xu hướng thời trang đến và đi trong chớp mắt, một số mẫu thiết kế đã trở thành kinh điển. Bộ đồ kinh điển Chanel của nhà thiết kế Coco Chanel vào những năm 1930 là một trong số đó. Trang phục này vẫn được bán ra đều đặn với giá 5.000 đô la Mỹ/bộ cho đến ngày nay.

Sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang
Những thiết kế kinh điển của Channel vẫn được săn đón đến tận ngày nay (Ảnh: Shasha Mossi)

Nhiều nhà thiết kế luôn cố gắng để tạo ra được những tác phẩm kinh điển như vậy. Trong trường hợp họ tạo được những kinh điển như vậy nhưng nhà thiết kế lại không sử dụng những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách thích hợp và kịp thời, người khác có thể dễ dàng xâm phạm những tác phẩm dày công sáng tạo của họ.

Đối với những mặt hàng thời trang có tuổi thọ cao, nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là cách tốt nhất để ngăn người khác sử dụng những thiết kế của mình. Khi nộp đơn theo hệ thống La Hay, nhãn hiệu cộng đồng Liên minh Châu Âu và nhiều hệ thống quốc gia, doanh nghiệp có thể yêu cầu các tổ chức này hoãn công bố đơn trong 30 tháng để giữ bí mật thiết kế của mình trước khi đưa ra thị trường.

Thương hiệu và nhãn hiệu

Các hãng thời trang lớn rất coi trọng giá trị thương hiệu bởi thương hiệu chính là điều giúp họ gắn bó với khách hàng. Vì vậy, họ luôn quyết liệt bảo vệ thương hiệu của mình thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật liên quan theo luật bản quyền. Không chỉ vậy, thương hiệu cũng rất quan trọng đối với những công ty nhỏ hoặc mới thành lập trong ngành thời trang.

Công ty quần áo Ý - Pickwick là một ví dụ thú vị về việc sử dụng nhãn hiệu để xây dựng một doanh nghiệp thời trang thành công. Hiện tại, Pickwick là một hãng thời trang tương đối nổi tiếng dành cho thanh thiếu niên trên khắp châu Âu. Nhưng cách đây không lâu, nghĩ đến Pickwick, người ta chỉ nghĩ đến nhãn hiệu của hãng, với hình vẽ một cậu bé không rõ mặt và có mái tóc nhọn hoắt.

Những ngày đầu tiên, hoạt động kinh doanh của Pickwick tương đối đơn giản. Chủ nhãn hiệu Pickwick chọn những loại quần áo có phong cách hấp dẫn nhất đối với giới trẻ, in nhãn hiệu của mình vào và bán trong các cửa hàng địa phương ở thành Rome. Nhiều thanh thiếu niên cho rằng nhãn hiệu của Pickwick rất hợp thời trang và sẵn sàng mua thêm nhiều bộ quần áo mang nhãn hiệu này. Giờ đây, Pickwick đã ký hợp đồng thuê ngoài hoạt động sản xuất và tập trung vào việc tiếp thị, phân phối, giám sát và kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu một cách rất kĩ càng.

Bằng sáng chế

Các bằng sáng chế xuất hiện không quá nhiều trong lĩnh vực thời trang, tuy nhiên đổi mới kỹ thuật có thể đưa những doanh nghiệp này đi xa hơn rất nhiều so với đối thủ. Chẳng hạn, khi sở hữu những bằng sáng chế kĩ thuật mới tạo ra loại vải không bị nhăn, mềm hơn hoặc bền hơn với thời tiết, doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp khác nên thu hút được nhiều đối tác kinh doanh và nhà đầu tư hơn, từ đó mở rộng khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Novozymes, một công ty công nghệ sinh học của Đan Mạch chuyên về enzym và vi sinh vật, đã đi tiên phong trong việc sử dụng enzym trong xử lý vải. Mặc dù ban đầu không tham gia vào ngành công nghiệp thời trang, đến năm 1987, Novozymes đã phát triển và được cấp sáng chế cho một công nghệ xử lý quần jean. Giặt đồ jean bằng đá (stone washing) là một bước trong quy trình xử lý đồ jean để làm cho đồ jean có màu bạc hơn và làm tăng độ mềm mại, linh hoạt của vải.

Công nghệ này sử dụng một loại enzyme có tên là cellulase, có khả năng loại bỏ một số chất nhuộm màu chàm khỏi vải denim, làm bạc màu vải như thể quần áo jean đã trải qua quá trình giặt bằng đá.

Ba năm sau, hầu hết tất cả công ty trong ngành công nghiệp denim đã mua li-xăng sáng chế này. Ngày nay, công nghệ cải tiến phương pháp sản xuất và hoàn thiện vải của Novozymes đã được li-xăng trên toàn thế giới. Công ty nắm giữ hơn 4.200 bằng sáng chế và đơn đăng ký sáng chế đang còn hiệu lực, đồng thời theo đuổi chiến lược cấp phép chủ động để tối đa hóa doanh thu từ những tài sản SHTT này.

Công ty Ý Grindi Srl đã phát minh ra một loại vải làm từ vỏ cây sồi Châu Phi có tên là Suberis. Đây là loại vải mịn như nhung, nhẹ như lụa, có thể giặt được, không xước, chống ố, chống thấm nước và chống cháy. Sau khi thử nghiệm và hệ thống hóa phương pháp thực hiện, Grindi đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế theo hệ thống PCT vào năm 1998 để bảo hộ đồng thời sản phẩm độc đáo của mình ở nhiều quốc gia. Vải Suberis được sử dụng trong sản xuất quần áo, giày dép và đồ thể thao, cũng như nhiều sản phẩm khác.

Bí mật thương mại và mô hình kinh doanh mới

Bí mật thương mại của các doanh nghiệp có thể là danh sách các nhà cung cấp, nhà phân phối, các công cụ phần mềm dùng cho việc thiết kế thời trang, đến quy trình quản lý hậu cần của toàn bộ chuỗi giá trị. Bí mật thương mại cốt lõi trong một số doanh nghiệp thời trang là các phần mềm máy tính nhằm sản xuất và phân phối các sản phẩm thời trang một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Ví dụ, chuỗi cửa hàng thời trang bán lẻ của Tây Ban Nha, ZARA đã sử dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) độc quyền để rút ngắn chu kỳ sản xuất (từ lúc xác định xu hướng mới đến khi cung cấp thành phẩm) xuống còn 30 ngày. Hầu hết các đối thủ cạnh tranh của Zara thường mất từ ​​4 đến 12 tháng để thực hiện quá trình này.

Hàng ngày, Zara sẽ cập nhật các xu hướng mới, các loại vải và đường cắt mới từ các quản lý cửa hàng qua email, từ đó các nhà thiết kế sẽ nhanh chóng chuẩn bị các kiểu dáng mới. Vải được chọn sẽ được cắt ngay lập tức trong một cơ sở tự động và được gửi đến các cửa hàng làm việc. Trong quá trình đó, Zara sử dụng một hệ thống phân phối sản phẩm công nghệ cao, với khoảng 200 km đường ngầm và hơn 400 máng trượt, để đảm bảo gửi thành công tất cả những mặt hàng đã hoàn thành đến các cửa hàng chỉ trong vòng 48 giờ.

Những ví dụ trên cho thấy việc luôn luôn đổi mới, sáng tạo ra những chiến lược công nghệ thông tin mới và bảo hộ chúng bằng hệ thống sở hữu trí tuệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Điều này đặc biệt đúng trong một ngành đầu tư nhiều chất xám và luôn luôn sáng tạo như ngành công nghiệp thời trang. Bảo vệ vốn trí tuệ dưới dạng tài sản sở hữu trí tuệ có thể giúp doanh nghiệp nâng cao thu nhập thông qua việc bán, cấp phép và thương mại hóa những sản phẩm mới, độc đáo, đồng thời giúp cải thiện thị phần, nâng cao tỷ suất lợi nhuận và giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quản lý tốt các tài sản SHTT trong kế hoạch kinh doanh và tiếp thị giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị của mình trong mắt các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư.