Sông Hồng Thủ Đô muốn xây khách sạn trong rừng Tam Đảo

Minh Anh - 16:55, 02/01/2024

TheLEADERMặc dù pháp lý cho các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng còn nhiều điểm nghẽn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tiềm năng và mạnh tay đầu tư.

Sông Hồng Thủ Đô muốn xây khách sạn trong rừng Tam Đảo
Phối cảnh khách sạn dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Báo cáo ĐTM

Bộ Tài nguyên và môi trường đang tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 tại Vườn quốc gia Tam Đảo do liên danh Công ty CP Sông Hồng Tam Đảo và Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô đề xuất. 

Liên danh dự kiến thuê gần 36ha môi trường rừng thuộc địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để xây dựng một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tại đây, liên danh đề xuất xây một khách sạn cao ba tầng nổi và hai tầng hầm với 225 phòng và 51 căn nhà cao hai tầng đạt tiêu chuẩn 4 sao với 159 phòng.

Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án có 0,6 ha xây công trình dịch vụ công cộng; 1,5 ha xây biệt thự nghỉ dưỡng; 25,4 ha là rừng sinh thái tự nhiên; 5,9 ha là khu cây xanh, vườn hoa; 1,6 ha cho đất giao thông.

Dự án có tổng mức đầu tư 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị từ đầu năm nay để đưa vào khai thác trong quý III năm tới.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thấy, ngày 27/3/2023, Vườn quốc gia Tam Đảo đã ký kết hợp đồng cho Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ Đô thuê môi trường rừng để thực hiện dự án này. Thời hạn thuê là 30 năm kể từ ngày hai bên bàn giao diện tích cho thuê môi trường rừng. 

Điều tra hiện trạng diện tích các loại đất đai trong phạm vi dự án cho thấy dự án nằm trong phân khu dịch vụ hành chính với phần lớn diện tích là đất rừng tự nhiên trạng thái hỗng giao gỗ - tre nứa và đất chưa có rừng chỉ chưa đến 1ha.

Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 13 là dự án thứ ba trong Vườn quốc gia Tam Đảo xin ý kiến đánh giá tác động môi trường. 

Hai dự án trước đó là Khu du lịch sinh thái số 2 do Công ty CP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư và dự án Tam Đảo 2 - Bến Tắm - Thác 75 của Công ty TNHH Mặt Trời Tam Đảo.

Bên cạnh đó, Công ty CP Nam Tam Đảo cũng đề xuất dự án thuê 68ha môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, giải trí với tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc triển khai những dự án thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như ba dự án trên vẫn còn nhiều vướng mắc.

Luật Lâm nghiệp cho phép và Nghị định 156 đã có quy định các bước lập đề án và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

Nếu phát triển theo hình thức thuê môi trường rừng, một trong những vấn đề khó khăn rất lớn chủ đầu tư sẽ gặp phải là thủ tục xây dựng.

Luật Xây dựng yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép xây dựng trước khi xây dựng công trình và điều kiện để xin phép xây dựng là dự án phải phù hợp với quy hoạch chung của ngành xây dựng. Trong khi đó, đất lâm nghiệp chưa phải loại đất được phép xây dựng theo Luật Xây dựng.

Hơn nữa, do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi xin phép xây dựng, doanh nghiệp thuê môi trường rừng phải phối hợp với chủ rừng để mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ giao đất, giao rừng để xin giấy phép xây dựng.

Dự án thuê môi trường rừng làm du lịch cũng sẽ gặp thách thức về huy động vốn vì chủ đầu tư sẽ không có "sổ đỏ" thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.

Thời gian thuê môi trường rừng hiện bị giới hạn trong 30 năm cũng làm các nhà đầu tư e ngại vì ngắn hơn nhiều so với các dự án du lịch thông thường.

Mặt khác, với phương án thuê môi trường rừng, Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã đưa ra quy định khung cho việc xây dựng các công trình là phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, các công trình phải dựa vào thiên nhiên, hài hoà với cảnh quan môi trường.

Nghị định chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, những nơi có cây bụi không có khả năng tự phục hồi, đồng thời, chịu trách nhiệm bảo tồn, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.