Tài chính
Sức phục hồi không đồng đều của các ngân hàng sau đại dịch
Các ngân hàng sẽ không phục hồi như nhau sau đại dịch mà theo mô hình "chữ K". Điều này dẫn đến xu hướng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi không đồng đều giữa các ngân hàng do khác biệt về phân khúc khách hàng và khả năng vượt qua những gián đoạn ngắn hạn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tăng 5,3% trong quý 1/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý 1/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. Có tới 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022.
Nhận định tỷ lệ nợ xấu, các ngân hàng đánh giá nợ xấu dấu hiệu "tăng nhẹ" trong quý 4/2021 nhưng kỳ vọng sẽ "giảm nhẹ" trở lại trong quý 1/2022. Tương tự, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các ngân hàng đánh giá tiếp tục "tăng nhẹ" cho đến hết quý 1/2022, nhưng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm trong các quý cuối của năm 2022. Dự báo tổng thể cả năm 2022, các TCTD kỳ vọng xu hướng giảm mặt bằng rủi ro.
Trong báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá trong nhiều kịch bản về tốc độ phục hồi, điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Kết hợp với vị thế thanh khoản dồi dào hiện tại, tín dụng kỳ vọng sẽ tăng trong nửa đầu năm.
Hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng dẫn đến tốc độ lưu thông tốt hơn nhờ nhu cầu thanh toán và đầu tư, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng huy động tiền gửi. Tiền gửi doanh nghiệp có thể tăng chậm hơn so với năm 2021 trong khi tiền gửi bán lẻ tăng tốc, hỗ trợ tăng trưởng huy động ở các ngân hàng định hướng bán lẻ.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng sẽ không phục hồi như nhau sau đại dịch. Báo cáo phân tích của VDSC duy trì quan điểm về sự phục hồi "chữ K". Điều này dẫn đến xu hướng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi không đồng đều giữa các ngân hàng do khác biệt về phân khúc khách hàng và khả năng vượt qua những gián đoạn ngắn hạn.
Mặt khác, hành vi khách hàng trong giai đoạn bình thường mới sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính cấu trúc ở cơ cấu huy động. Giãn cách xã hội chặt chẽ và lâu dài sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Nó cũng thay đổi cách mọi người gửi tiền tiết kiệm và do đó, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải thích ứng với hành vi mới của dòng tiền.
Các chuyên viên phân tích nhận định cơ cấu tiền gửi của một số ngân hàng sẽ thay đổi bền vững. Trong lúc đó, khi lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức thấp và nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, tỷ lệ CASA dự kiến tiếp tục xu hướng tăng. CASA tăng sẽ cải thiện biên lãi thuần (NIM), giúp giảm chi phí, gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Giao dịch thanh toán trực tuyến vẫn tăng, trong khi doanh số bancassurance phân hóa giữa các ngân hàng do khác biệt nền tảng công nghệ. Xu hướng phục hồi sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng định hướng bán lẻ.
Bên cạnh đó, chi phí rủi ro được dự báo sẽ giảm đáng kể, đặc biệt tại các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro nhiều trong giai đoạn trước đó. Đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán số đông. Kế hoạch trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng bị điều chỉnh đáng kể, chứng tỏ yếu tố không chắc chắn của Covid.
Rủi ro ngành ngân hàng có thể phải đối mặt trong năm 2022 là hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần. Chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động từ năm 2020 chỉ có thể đáp ứng tăng trưởng trong 1-1,5 năm, do vậy sẽ xuất hiện áp lực lên các tỷ lệ thanh khoản từ nửa cuối năm 2022.
Đại dịch dẫn đến việc tái phân bổ giữa các kỳ hạn gửi tiền và tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, đặc biệt là không kỳ hạn. Khi lãi suất bình thường hóa, chuyển dịch ngược chiều từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn dài hơn có thể gây rủi ro và phát sinh chi phí.
Mặt khác, rủi ro đã được nhận diện nhưng chưa thể đo lường từ độ trễ của nợ xấu hình thành. VDSC nhận định, diễn biến của đại dịch là không chắc chắn, có nghĩa là nợ xấu hình thành được dự báo với độ tin cậy chưa được xác định. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu hình thành là hậu quả của cú sốc, trong trường hợp đại dịch kết thúc, sẽ vẫn bất định ngay cả khi tham chiếu các cuộc khủng hoảng trước đó.
NHNN: Siết chặt tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán đầu cơ
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực
LPBank dẫn đầu trong thanh toán quốc tế với giải thưởng từ JPMorgan Chase
LPBank nhận giải "Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc" từ JPMorgan Chase, khẳng định vị thế dẫn đầu thanh toán quốc tế với giao dịch USD 3 năm liền (2022-2024).
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.