Tái chế pin để phát triển ngành công nghiệp xe điện

Phạm Sơn - 16:24, 14/05/2021

TheLEADERNgành công nghiệp xe điện đã, đang và sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả hơn để tái chế pin dùng cho xe điện.

Tái chế pin để phát triển ngành công nghiệp xe điện
Pin chiếm 30% chi phí sản xuất xe điện. Ảnh: Nissan.

Trong tình trạng nền kinh tế gặp khó khăn, chuỗi cung ứng đứt đoạn và thị trường trở nên trì trệ, doanh số xe hơi toàn cầu bị suy giảm mạnh trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trái với xu thế này, doanh số xe điện lại chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tính riêng năm 2020, có khoảng 11 triệu xe ô tô điện được đăng ký mới, tăng 41% so với năm 2019. Doanh thu xe điện đạt 120 tỷ USD, tăng 50%.

Cùng với sự tăng mạnh về số lượng bán ra, xe điện sẽ phổ biến hơn ở mọi lĩnh vực giao thông vận tải. Đối với giao thông công cộng, xe bus chạy điện đang được chính quyền nhiều thành phố ỏ châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc áp dụng rộng rãi. Mới đây, xe bus điện của tập đoàn Vin group đã đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh.

Các loại xe tải từ hạng nhẹ tới hạng nặng cũng đang được điện khí hóa. Năm 2020, 1% doanh số xe tải ỏ Mỹ và châu Âu là xe tải chạy bằng động cơ điện.

Dự báo, xu thế trỗi dậy của xe điện sẽ còn tiếp diễn trong suốt một thập kỷ với 2 kịch bản. Đối với kịch bản cơ sở, 145 triệu xe điện sẽ được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2030, chiếm 7% phương tiện giao thông đường bộ.

Trong kịch bản khả quan, khi các chính sách khí hậu được triển khai mạnh mẽ, đến năm 2030 sẽ có khoảng 230 triệu xe điện tham gia giao thông, chiếm 12% tổng số phương tiện giao thông đường bộ.

Tái chế pin để phát triển xe điện

Theo nhóm nghiên cứu của IEA, nhiều cản trở vẫn còn đặt ra đối với sự phát triển của ngành công nghiệp được coi là tương lai của giao thông vận tải. Trong đó, vấn đề về sản xuất và cung ứng pin sạc được coi là thách thức lớn nhất.

Nguồn nguyên liệu thô để sản xuất các loại pin thường tương đối khan hiếm, tập trung ở một số quốc gia đang phát triển. Suốt nhiều năm qua, một số doanh nghiệp tiến hành khai thác các khoáng chất bất chấp quyền lợi của người lao động là người dân bản địa cũng như gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Mặt khác, sự thiếu ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội tại các quốc gia này cũng đặt chuỗi cung ứng pin sạc vào tình thế mong manh, có thể đứt gãy bất cứ lúc nào.

Cùng nguy cơ gây hại môi trường từ pin sạc đã qua sử dụng, các hãng sản xuất đang đi tìm lời giải cho câu hỏi “làm thế nào để tái chế pin sạc một cách hiệu quả”?

Mới đây, tập đoàn SK và hãng ô tô Kia vừa công bố kế hoạch hợp tác để tái chế pin dùng cho xe điện. Theo đó, hợp tác giữa 2 ông lớn Hàn Quốc đưa ra phương án phục hồi lại pin thông qua hệ thống lưu trữ năng lượng hoặc thu hồi các khoáng chất để sản xuất pin mới. Cả 2 phương án đều hứa hẹn sẽ tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Hãng xe Nhật Bản Nissan cũng tiến hành hợp tác với một doanh nghiệp đồng hương để thiết kế cơ sở hạ tầng tái chế cho pin sạc, thông qua liên doanh mang tiên 4R Energy. Hoạt động tái chế pin của 4R Energy được bắt đầu bằng việc phân loại pin đầu vào, lựa chọn ra những cục pin “đạt điểm A” để dùng cho xe điện mới, còn lại dùng để phát điện cho một số máy móc công nghiệp hay cung cấp nguồn điện dự phòng.

Tesla mới đây cho biết sẽ tiến hành tái chế pin tại các nhà máy ở Thượng Hải, một phần do những động thái khuyến khích của chính quyền Trung Quốc. Một nhà máy tái chế pin sạc của Volswagen cũng vừa được mở tại Đức, với tham vọng tạo ra một “vòng đòi khép kín” cho pin.

Theo các chuyên gia, pin chiếm đến 30% chi phí cho một chiếc xe điện. Thông qua việc tái chễ pin, giá thành xe điện sẽ giảm ỏ mức đáng kể, tạo động lực điện khí hóa ngành giao thông diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ông Akira Yoshino, cha đẻ của pin Lithium-ion cũng khẳng định, tái chế pin và chìa khóa để đảm bảo nguyên liệu thô đủ cung ứng cho thị trường xe điện. Đây cũng là cách hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới môi trường, giúp các quốc gia đạt được cam kết về ngăn chặn biến đổi khí hậu.