Tài chính xanh cho chiến lược tăng trưởng xanh

Phạm Sơn - 11:59, 30/03/2021

TheLEADERCác chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất cần bổ sung các quy chế khuyến khích tài chính xanh để huy động nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 và hướng tới 2050.

Tài chính xanh cho chiến lược tăng trưởng xanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050.

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ lụy tới đời sống xã hội cũng như tổn thương quá trình tăng trưởng kinh tế, đặt ra vấn đề mô hình tăng trưởng thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động không còn phù hợp để Việt Nam tiếp tục đi xa hơn nữa.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh, một trong những định hướng của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là “khuyến khích phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp và các mô hình kinh tế tuần hoàn”. Mặt khác, các cam kết quốc tế cũng yêu cầu Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.

Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao chủ trì, phối hợp và tổ chức tham vấn rộng rãi với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và thực thi Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 và hướng tới 2050.

Nói về vai trò của chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc xây dựng chiến lược này là cần thiết, là “ưu tiên cấp thiết” để Việt Nam đi tắt đón đầu, tiến tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, nâng cao đời sống nhân dân.

Huy động nguồn vốn cho tăng trưởng xanh

Đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, các loại phát thải đang gây ra nhiều hệ lụy không chỉ tới đời sống xã hội mà còn làm tổn thương nền kinh tế, tiêu tốn chi phí để khắc phục hậu quả. Diễn biến biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chính là minh chứng rõ nét cho điều này.

Để chiến lược tăng trưởng xanh thực sự đạt được hiệu quả cao, đại diện ADB đề xuất Việt Nam cần nỗ lực chuyển đổi cơ cấu, bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư và tạo cơ chế cho tài chính xanh nhằm xây dựng nguồn lực để chống lại biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Tăng cường cơ chế cho tài chính xanh cũng là một trong ba đề xuất của đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, bên cạnh vấn đề về phục hồi xanh và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Bình luận về huy động nguồn vốn cho tăng trưởng xanh thông qua các công cụ tài chính, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết, cách đây nhiều năm, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã đưa ra quan điểm kinh tế hóa ngành môi trường, cụ thể là sử dụng công cụ thị trường để tạo cơ chế ưu đãi cho ngành môi trường.

Như vậy, về mặt chiến lược, quan điểm, Việt Nam hoàn toàn đồng thuận với việc sử dụng các công cụ tài chính để tăng cường khả năng bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong hiện thực hóa quan điểm, chiến lược đó.

Ông Thành đề xuất, cần phải đề đạt thêm những ưu đãi cụ thể như thuế, phí, cắt giảm thủ tục cho việc huy động nguồn vốn vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nguồn vốn này không chỉ tập trung vào việc đầu tư trực tiếp mà còn phải quan tâm và động viên đối tượng là những cán bộ, công nhân viên trong bộ máy thực thi, tạo ra động lực để thực hiện hóa các chính sách từ phía bộ máy công.

Theo ông Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, việc sử dụng công cụ tài chính, thuế để khuyến khích tăng trưởng xanh cũng là một trong những nội dung thuộc chiến lược tăng trưởng xanh của giai đoạn trước, tuy nhiên “nói rất hay mà không thực hiện được” do thiếu những giải pháp cụ thể.

Ông Ân đề nghị ban soạn thảo chiến lược cần nghiêm túc thực hiện đánh giá hiệu quả thực thi quan điểm này từ chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ trước, từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn sắp tới.

Tiếp nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét, vấn đề huy động nguồn lực hết sức quan trọng, không chỉ là xây dựng nguồn lực mà còn phải làm thế nào để phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là một vấn đề nan giải, cần được thể hiện rõ ràng trong chiến lược, đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp thu để hoàn chỉnh chiến lược một cách đầy đủ và đạt hiệu quả cao.