Tăng trưởng tín dụng khó phục hồi mạnh trong quý cuối năm

Trần Anh - 08:29, 10/10/2021

TheLEADERBáo cáo của KBSV kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 10% cả năm 2021. Dù được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ khó bật tăng mạnh như các năm trước do các tác động lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua.

Đợt giãn cách xã hội do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra những tác động sâu, rộng và toàn diện đến hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo tăng trưởng 9 tháng ở mức thấp nhất lịch sử thống kê.

Dù vậy, với việc tốc độ tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh tại các thành phố lớn, dịch bệnh dần được kiểm soát vào thời điểm cuối quý 3, các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, triển vọng kinh tế sẽ phục hồi trong quý IV.

Công ty Chứng khoán KBSV dự báo, tăng trưởng GDP quý IV dự báo ở mức 5,7%, mức thấp nhất cùng kỳ từ 2013 đến nay.

Động lực tăng trưởng chính trong quý IV sẽ đến từ việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn FDI, tiêu dùng nội địa và sản xuất (dù chưa thể khôi phục lại hoàn toàn như mức trước đại dịch do tác động kéo dài của các đợt giãn cách xã hội trong quý 3).

Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiến triển tích cực trong quý cuối năm nhờ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các nền kinh tế lớn gia tăng, các hiệp định thương mại tự do dần có hiệu lực, giá hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (như sắt thép, nông lâm thủy sản, gạo...) có xu hướng tăng, cùng với đó, sản xuất trong nước dần phục hồi.

Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa và sản xuất sẽ phục hồi chậm. Trong các đợt giãn cách xã hội trong quá khứ, tiêu dùng nội địa và sản xuất đều có sự sụt giảm mạnh trong thời gian giãn cách, tuy nhiên đều ghi nhận hồi phục mạnh ngay sau đó, phản ánh sức bật mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam.

Kịch bản hiện tại cũng không có sự khác biệt, song tốc độ phục hồi có thể chậm hơn do đợt giãn cách lần này có sự ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài hơn.

Điều này sẽ tác động đáng kể tới nhu cầu tín dụng. KBSV cho rằng nhu cầu tín dụng, dù được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý IV, sẽ khó bật tăng mạnh như các năm trước do các tác động lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua.

Nhóm phân tích kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 10% cả năm. Để đạt được mục tiêu này cũng không đơn giản bởi sau giai đoạn tín dụng tăng mạnh 2 quý đầu năm với mức tăng 5,47% tính đến hết quý II, tín dụng đã tăng chậm lại trong quý III. Lũy kế 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hiện chỉ đạt 7,17%.

Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, các ngân hàng cũng có thêm điều kiện để hạ lãi suất cho vay khi mà mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19.

Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm đáng kể khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.