Tạo giá trị từ kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 11:36, 19/12/2022

TheLEADERĐộng cơ thực hiện bước chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn nằm ở bài toán làm thế nào để tạo ra giá trị và lợi ích thiết thực từ mô hình này.

Với sự xuất hiện của những ông lớn như Samsung, Intel, Foxconn, LG…, Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng của ngành điện tử toàn cầu. 11 tháng năm 2022, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử đạt 55,4 tỷ USD, chiếm 16,2% kim ngạch xuất khẩu và là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.

Đóng góp lớn vào xuất khẩu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại các địa phương nhưng ngành công nghiệp linh kiện điện tử cũng thải ra nhiều rác thải từ quá trình sản xuất, trong đó bao gồm cả những loại phế liệu có giá trị tái chế, tái sử dụng cao nhưng vẫn bị thải bỏ do những tiêu chuẩn quá đỗi khắt khe.

Thực trạng đó không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường mà còn tiêu tốn chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, Công ty CP Ecotech Vina lại nhìn nhận đó là một cơ hội để triển khai giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Thành lập vào năm 2017, Ecotech Vina làm việc với Samsung và một số đối tác cung ứng cho Samsung để triển khai dịch vụ vệ sinh lại những chiếc khay nhựa, giá nhựa trong nhà máy, làm sao đạt đủ tiêu chuẩn “sạch đến từng nano” để đưa trở lại sử dụng.

Ông Vũ Công Nghị, Giám đốc phát triển kinh doanh Ecotech Vina, tiết lộ, giải pháp của Ecotech Vina giúp Samsung tiết kiệm được khoảng 19 triệu USD mỗi năm, với sản lượng làm sạch 50 nghìn tấm nhựa mỗi ngày như hiện nay. Dự kiến, công suất của Ecotech Vina có thể tăng lên gấp đôi trong thời gian tới.

Đây cũng chính là động lực để Samsung chấp nhận sử dụng giải pháp làm sạch và tái sử dụng khay nhựa, thay vì chỉ sử dụng 1 lần như trước đây.

Cũng cung cấp giải pháp mang tính kinh tế tuần hoàn cho các ông lớn nhưng DrobeBox của doanh nhân trẻ Tăng Hải Ngọc Sơn lại tập trung vào lĩnh vực thời trang. Cụ thể, DrobeBox phát triển mô hình “sử dụng nhưng không sở hữu”, thông qua một “tủ đồ” trực tuyến giúp người sử dụng có thể thuê trang phục để sử dụng, thay vì bỏ tiền ra mua nhưng có khi chỉ mặc 1 – 2 lần.

Dựa trên việc cho thuê sản phẩm, DrobeBox xây dựng một kho dữ liệu về khách hàng, từ đó xác định xem liệu sản phẩm nào sẽ được khách hàng sẵn sàng chi trả để sở hữu trong tương lai. Dữ liệu này đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng những bộ sưu tập mới của các nhãn hàng.

Tại sự kiện Việt Nam: Hành động kinh tế tuần hoàn 2022 do công ty tư vấn CL2B tổ chức, ông Sơn cho biết, khi bắt đầu, DrobeBox tiếp cận và thuyết phục các thương hiệu thời trang tham gia thông qua tiềm năng về lợi nhuận. Cụ thể, sử dụng giải pháp của DrobeBox giúp nhãn hàng giảm tới 40% chi phí, đồng thời có thêm lượng dữ liệu giúp họ thấu hiểu khách hàng tốt hơn.

“Chúng ta không bán sự bền vững mà chúng ta gắn sự bền vững ấy với sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp”, ông Sơn nói.

Tạo ra giá trị

Đại diện một doanh nghiệp gần đây mới tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn cũng tiết lộ lý do tìm đến giải pháp tuần hoàn với kỳ vọng có thể tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Không có mô hình nào có thể tồn tại để bền vững nếu không có tính kinh tế”, đại diện doanh nghiệp cho biết thêm.

Từ thực tế của doanh nghiệp này, cũng như câu chuyện của Ecotech Vina hay DrobeBox, có thể thấy rõ động cơ cần thiết để thúc đẩy những giải pháp mang tính tuần hoàn nằm ở việc tạo ra những lợi ích thiết thực. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn, trước tiên phải đảm bảo tính “kinh tế”.

Quan điểm này từng được nhấn mạnh bởi ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), khi trả lời phỏng vấn với TheLEADER. Ông Vinh cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên phải tạo ra lợi ích kinh tế để giải quyết nhu cầu của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp chứ “không phải là một mô hình từ thiện”.

Tuy nhiên, để tạo ra lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn không phải là điều đơn giản, đặc biệt khi nền kinh tế suốt nhiều năm nay vẫn vận hành dựa trên mô hình tuyến tính.

Nói về điều này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) từng nhận định, bản thân mô hình kinh tế tuần hoàn đã là một mô hình kinh doanh tạo ra đa giá trị, bao gồm cả những giá trị chưa đo đếm được như hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, xã hội hay tiết kiệm những tài nguyên tưởng chừng là có sẵn nhưng đang dần xuống cấp, cạn kiệt.

“Nhiệm vụ là làm sao chuyển hóa đa giá trị thành lợi ích thiết thực, từ đó mới thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp”, ông Quân nói với TheLEADER.