Thách thức lớn nhất đối với các dự án điện khí LNG

Kiều Mai - 09:32, 08/12/2023

TheLEADERGiá khí hoá lỏng nhập khẩu có xu hướng tăng cao khiến các nhà đầu tư dự án điện khí phải cân nhắc rủi ro, biến động địa chính trị từ nay đến năm 2030.

Phát triển điện khí từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được xác định là giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng bền vững nhưng nhiều dự án điện khí LNG vẫn chưa được triển khai hoặc tiến độ chuẩn bị đầu tư bị kéo dài.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, thách thức lớn nhất đối với các dự án điện khí là đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Theo đó, chủ đầu tư sẽ đàm phán mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Ông Long phân tích, LNG là nguồn nhiên liệu có chi phí cao khi được nhiều quốc gia sử dụng. Cùng với đó, giá LNG lại dễ bị biến động khi bối cảnh địa chính trị thế giới thay đổi.

Giá LNG thường chiếm tỉ lệ từ 70 – 80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá LNG thời gian qua tăng rất mạnh, đồng nghĩa với giá nhập khẩu cao sẽ là trở ngại trong tương lai khi thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam do tập đoàn phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ.

Giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Các thách thức khác với các dự án điện khí LNG được ông Long chỉ ra là Việt Nam hiện chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…

Tháng 7 năm ngoái, Bộ Công thương cũng đánh giá, phần lớn các dự án điện LNG đều gặp khó khăn, thậm chí sức ép từ vấn đề thu xếp vốn vay.

Với các dự án theo diện dự án điện độc lập, rủi ro thường gặp là các tổ chức cho vay vốn thường đưa ra những yêu cầu bảo lãnh ngặt nghèo của Chính phủ, nhiều khi vượt quá khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Ông Long nhấn mạnh, cần tính toán tổng chi phí giá điện sản xuất từ LNG để phản ánh đúng thực tế trước khi quyết định đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư dự án điện khí LNG hiện cũng lo ngại rằng giá LNG nhập khẩu có xu hướng tăng cao, khiến họ phải cân nhắc trước những rủi ro, biến động địa chính trị từ nay đến năm 2030.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện.

Do vậy, cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.

Theo đó, khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở và hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá.

Ông phân tích rằng, hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động trong giá LNG, từ đó giúp đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập đề xuất cần sửa đổi các bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các luật, nghị định hướng dẫn liên quan.

“Điều trước tiên và quan trọng nhất là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường. Các cơ quan quản lý sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi”, vị này nhấn mạnh.

Tiếp đó, theo ông, cần cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện.

Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG.

Không chỉ vậy, ông Thập cho rằng cần cập nhật và sửa đổi điều lệ và quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng nhưng khung pháp lý hiện tại của hai tập đoàn không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế.

Do đó, cần phải cập nhật và sửa đổi các vấn đề liên quan đến quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của hai tập đoàn.

Ngoài ra, Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.

“Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn được thuyết phục nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận này và nút thắt cũng sẽ được tháo gỡ”, ông Thập nêu ý kiến.