Tham vọng về điện gió ngoài khơi

Nguyễn Cảnh - 09:42, 08/02/2022

TheLEADEROrsted, công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, thể hiện rõ tham vọng đầu tư lớn tại Việt Nam. Bà Yichun Xu, Giám đốc thị trường châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Orsted cho rằng, mục tiêu phát triển 10GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 của Việt Nam hoàn toàn khả thi, thậm chí mục tiêu này có thể trở nên tham vọng hơn để cho phép các nhà đầu tư tạo ra các khoản đầu tư dài hạn hơn nữa.

Tham vọng về điện gió ngoài khơi
Bà Yichun Xu

Với hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi tại nhiều quốc gia, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quản lý vận hành của tập đoàn tại những thị trường tương tự như Việt Nam?

Bà Yichun Xu: Orsted bắt đầu phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi từ năm 1991 với dự án đầu tiên Vindeby ở Đan Mạch. Hiện chúng tôi có mặt tại 7 thị trường khác nhau và là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu với hơn 7GW công suất điện gió đang hoạt động.

Khi Orsted gia nhập một thị trường mới để đầu tư điện gió ngoài khơi, cơ sở hạ tầng thực sự cần thiết, ví dụ như bến cảng và lưới điện. Đồng thời, chúng tôi cần thấy khung chính sách ổn định vì điện gió ngoài khơi mất nhiều thời gian hơn để xây dựng so với các dự án năng lượng tái tạo khác. Với một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, chúng tôi có thể bắt đầu các khoản đầu tư đúng vào các dự án và ngành công nghiệp, từ đó mang lại hiệu quả tích cực cho toàn bộ chuỗi giá trị, những người sẽ bắt đầu thực hiện phần đầu tư của họ vào hệ thống.

Quan điểm của Orsted là đồng tồn tại và phát triển cùng các bên liên quan khác tại địa phương cũng như tiếp tục tạo ra các nhà cung cấp mới. Những cam kết này đã được tập đoàn thể hiện qua các dự án ở nhiều thị trường như Mỹ, Đài Loan và sắp tới là Việt Nam.

Tại Đài Loan, chúng tôi vừa lắp đặt các móng tuabin “made in Taiwan” đầu tiên và cũng là chất xúc tác cho khoản đầu tư mang tính bước ngoặt cho một cơ sở lắp ráp vỏ hộp tuabin để hỗ trợ trang trại điện gió ngoài khơi Changhua 1 & 2a công suất 900MW - trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại dự án này, Orsted không chỉ mang lại chuyên môn và kiến thức về điện gió ngoài khơi, mà còn giúp nâng cao kỹ năng cho các nhà cung cấp tại địa phương để có thể xây dựng và bàn giao dự án.

Tại Mỹ, dự án Ocean Wind 2 công suất 1,1GW của Orsted đã được chọn là dự án tiếp theo của bang New Jersey. Như một phần của kế hoạch, chúng tôi đã đem lại nhà máy sản xuất cọc đơn (monopile) trị giá 250 triệu USD từ một trong những nhà cung cấp chính của mình để phát triển chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã hình thành mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Tập đoàn T&T để phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam.

Đâu là những vướng mắc cơ bản (đa phần liên quan tới chính sách đất đai) mà các nhà đầu tư nước ngoài như Orsted gặp phải trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch, xin chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam? Orsted đã và đang xây dựng chiến lược ra sao để hài hòa bài toán đầu tư và lợi ích mang lại cho địa phương?

Bà Yichun Xu: Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và điều kiện gió vượt trội. Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược và mục tiêu phát triển cho điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng mục tiêu này có thể trở nên tham vọng hơn để cho phép các nhà đầu tư tạo ra các khoản đầu tư dài hạn hơn nữa. Với tình hình hiện tại, mục tiêu phát triển 10GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là khả thi và sẽ là một khởi đầu tốt nếu mục tiêu này được hoàn thành theo khung pháp lý phù hợp nhằm cung cấp lộ trình thâm nhập thị trường.

Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi với nhu cầu ngày càng tăng và điều kiện gió vượt trội... Với tình hình hiện tại, mục tiêu phát triển 10GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là khả thi.
Bà Yichun Xu

Mặc dù Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập khung pháp lý phù hợp, phát triển các cơ sở hạ tầng như bến cảng và lưới điện. Sẽ cần một quá trình học tập cho tất cả các bên để điều chỉnh khuôn khổ và quy trình hiện tại để phát triển điện gió ngoài khơi.

Ví dụ, có nhiều điểm tương đồng giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi, tuy nhiên, dự án điện gió ngoài khơi cần thời gian hoàn thành dài so với các nguồn năng lượng tái tạo trên bờ, trong trường hợp này có thể là một lợi ích cho chính phủ, vốn sẽ có thời gian để nhận biết những thách thức và tạo ra các giải pháp. Trong việc lập kế hoạch và cấp phép, đã có một nhu cầu thực sự để phân biệt giữa điện gió ngoài khơi và điện gió bãi triều (các trang trại điện gió rất gần bờ biển và có thể là đất liền khi thủy triều rút). Các cuộc trao đổi về việc thiết lập khoảng cách thích hợp từ bờ để xác định điện gió ngoài khơi sẽ rất hữu ích để phân biệt hai loại (điện gió bãi triều có nhiều điểm chung với điện gió trên bờ), nhưng cũng có thể giúp làm rõ ranh giới thẩm quyền cho các cơ quan và bộ phận có liên quan trong quá trình lập kế hoạch.

Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan đang hoàn thiện các khuôn khổ này và chúng tôi mong muốn được tiếp tục đối thoại với Chính phủ trong quá trình này.

Tham vọng về điện gió ngoài khơi 1
Orsted là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu với hơn 7GW công suất điện gió đang hoạt động.

Là một doanh nghiệp giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực này, những khó khăn về chồng lấn quy hoạch giữa các lĩnh vực (như năng lượng tái tạo với du lịch, khoáng sản) từng được Osted giải quyết ra sao tại các quốc gia khác?

Bà Yichun Xu: Thách thức liên bộ này là ví dụ điển hình về những gì sẽ xảy ra khi chúng ta xây dựng một ngành công nghiệp mới như điện gió ngoài khơi. Ví dụ, khi nói về việc sử dụng mặt nước, sẽ tác động đến nhiều bộ ngành khác nhau và thường có ý kiến khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, những thị trường khác đã tạo ra các cơ quan “một cửa” để giải quyết những vấn đề chồng chéo. Cơ quan “một cửa” hoạt động như một cơ quan liên bộ báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng, sẽ có thể giải quyết các vướng mắc cũng như đưa ra quyết định giúp các nhà phát triển dự án có thể tiếp tục.

Tập đoàn có khuyến nghị gì về thời gian và quá trình chuyển đổi cơ chế biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi, khuôn khổ lập kế hoạch, thị trường phát điện cạnh tranh cũng như việc hình thành thị trường phát thải khí CO2 trong lĩnh vực này để tạo sức hấp dẫn lành mạnh cho các nhà đầu tư?

Bà Yichun Xu: Thách thức đầu tiên là việc đảm bảo cho các giai đoạn đầu tiên của các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ được bàn giao thành công, tạo đà cho việc tạo ra một ngành công nghiệp mới.

Các trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên ở bất kỳ thị trường nào đều có rủi ro lớn hơn vì những thách thức giai đoạn đầu đã nêu ở trên. Do đó, các rủi ro nên được bù đắp bằng các cơ chế chắc chắn hơn, ví dụ như hệ thống biểu giá FIT để thu hút các nhà đầu tư vào thị trường. Tiếp theo là đảm bảo có một tiêu chí mạnh mẽ trong việc lựa chọn các nhà đầu tư. Việt Nam nên lựa chọn các nhà đầu tư có kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi cũng như sức mạnh tài chính.

Cách tiếp cận này rất thành công ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để bắt đầu các ngành công nghiệp mới trước khi chuyển sang cấu trúc đấu giá như ở Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hà Lan và Ba Lan. Tại Việt Nam, đã có một số trang trại điện gió gần bờ được tiếp cận với giá FIT dành cho điện gió ngoài khơi trước khi khung giá này hết hạn vào 31/10/2021. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng không phải là những trang trại điện gió ngoài khơi thực thụ, vì các trang thiết bị phục vụ xây dựng cũng như kích cỡ tuabin tương đồng nhiều hơn với các dự án điện gió trên bờ, cũng như không gian bãi triều tại Việt Nam sẽ rất hạn chế.

Trước khi khung đấu giá được áp dụng, các thị trường như Ba Lan đã đảm bảo rằng các trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên có thể cung cấp nền tảng phù hợp cho ngành để các dự án sau này thành công. Để đạt được mục tiêu 5,9GW vào năm 2030 và cuối cùng là 10,9GW vào năm 2040, 5,9GW đầu tiên đã được trao thầu trực tiếp cho các dự án khả thi nhất vốn sẽ đem lại kinh nghiệm cho nhà đầu tư và nhà cung cấp, trong khi giai đoạn thứ hai sau đó sẽ giới thiệu khung đấu giá nhằm thúc đẩy việc giảm chi phí.

Đấu giá có thể là công cụ tuyệt vời để giảm chi phí dự án ở các thị trường đã được thiết lập tốt với độ chín và cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ở những thị trường mới vốn thiếu nền tảng để đấu giá thành công, đôi khi sẽ không có đơn vị bỏ thầu hoặc chỉ có một vài đơn vị nhưng với giá cao, không cạnh tranh vì các nhà đầu tư cần thêm vào chi phí cho rủi ro và sự không chắc chắn vốn chưa được hiểu rõ.

Xin cảm ơn bà!