Thanh toán không tiền mặt lên ngôi trong mùa dịch bệnh

Việt Hưng - 16:20, 12/03/2020

TheLEADERKhi dịch Covid-19 bước vào cao điểm, người tiêu dùng đã giảm bớt việc đi chợ. Thay vào đó là mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà và thanh toán trực tuyến.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, sự chuyển biến tích cực của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian qua đã thúc đẩy các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Các chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất của thanh toán không tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin khách hàng, nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Còn theo số liệu của Tập đoàn IDG Việt Nam, tỉ lệ thanh toán tiền mặt ở nước ta dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao, chiếm 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.

Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh và chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt với 28,4%, thanh toán qua thẻ các loại 38% và thanh toán qua kênh di động Mobile Banking khoảng 30%...

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ.

Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, Việt Nam hiện có khoảng 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi
Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần đi vào đời sống của người dân

Ông Neil Van Heerden, Giám đốc chiến lược của TrueMoney - ví điện tử hàng đầu Thái Lan, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có những lợi thế như: cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng...

"Thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các công ty công nghệ tài chính cũng sẽ đem lại nhiều hơn những lợi ích và giá trị cho người dùng", ông Neil Van Heerden nhận định.

Thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần đi vào đời sống của người dân thông qua các ví điện tử, thẻ tín dụng, cổng thanh toán... Thời gian gần đây, lo ngại nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt, người tiêu dùng đã chủ động tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán mới.

Chị Trang Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Mỗi lần đi siêu thị, tôi hay trả bằng tiền mặt hay thẻ visa nhưng cả tháng nay, lo sợ bệnh dịch nên tôi thường mua sắm online, giao hàng tận nhà. Nếu buộc phải đi mua sắm thì dùng ví điện tử để hạn chế tối đa với việc tiếp xúc bên ngoài".

Bà Khánh Thư (Q.5, TP. HCM) cho hay, hơn 10 ngày qua khi dịch Covid-19 bước vào cao điểm, bà đã giảm bớt việc đi chợ. Nay mỗi tuần chỉ đi 2 lần, mỗi lần mua dự trữ cho vài ngày. Gia đình bà cũng hạn chế đi siêu thị vào cuối tuần như trước và tích cực mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà và thanh toán trực tuyến.

Xác nhận với TheLEADER, ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh phụ trách VNPAY-QR thông tin: "So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không tiền mặt tăng lên. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%".

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi 1
Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng 600%

Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân, số điểm thanh toán quamã VNPAY-QR hiện đã tăng lên hơn 50.000. Song song với đó, VNPAY sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến giải pháp, mang đến hình thức thanh toán tiện lợi, hiện đại hơn.

"Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng, hầu hết đều có xu hướng tìm đến những phương thức trực tuyến hiện đại và an toàn. Khi dịch vụ ngày càng gần gũi với người dân hơn, ưu việt hơn, tôi nghĩ sẽ thay đổi được thói quen thanh toán từ truyền thống sang hình thức online", lãnh đạo VNPAY-QR tin tưởng.

Ngoài thay đổi thói quen người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thanh toán không tiền mặt còn vấp phải bài toán hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, và chưa vươn đến vùng sâu, vùng xa.

Số lượng các công ty fintech tuy nhiều, nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng, chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác…

Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, quá trình chuyển đổi phương thức thanh toán tại Việt Nam cũng là xu hướng thanh toán chung của thế giới trong tương lai. Đặc biệt, thanh toán không tiền mặt phù hợp ở các thị trường mới nổi, nơi mà các doanh nghiệp không có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng đắt đỏ.

Đối với nền kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, công nghệ thanh toán điện tử "không tiền mặt" đem lại nhiều hiệu quả hơn khi cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thanh toán bằng công nghệ cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lợi ích thanh toán không tiền mặt mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng thuận tiện, tránh được nhiều rủi ro khi mang theo tiền mặt…