Thế kiềng 3 chân trong giải pháp cho vấn nạn môi trường

Thùy Linh - 21:10, 23/10/2019

TheLEADERTrước những vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, công trình xanh nổi lên là một trong những giải pháp dài hạn, tuy nhiên yêu cầu sự tham gia của người dân, chủ đầu tư và cả Nhà nước để phát triển bền vững.

Những ngày đầu tháng 10, nhiều người dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội hoang mang khi nước sinh hoạt bốc mùi khó chịu. Sự cố đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn của nhà máy nước sông Đà được xác định sau đó đã khiến cuộc sống người dân tại đây đảo lộn, chen nhau đi mua nước đóng chai hay đứng hứng nước cung ứng tạm thời.

Chỉ trước đó 1 tháng, vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông cũng khiến dư luận hoang mang về nguy cơ nguồn nước bị nhiễm thủy ngân, các chất kim loại nặng cũng như ô nhiễm không khí.

Trước những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, người dân đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường sống xanh, an toàn cho sức khỏe, gia tăng nhu cầu đối với các công trình xanh.

Công trình xanh được phát triển nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng và vật liệu hiệu quả, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, tập trung sự quan tâm nhiều hơn đến tiện nghi và sức khỏe cho người sử dụng, công trình xanh cũng hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường tới cuộc sống con người.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh bền vững trước tiên nằm trong quyết định của nhà đầu tư/ nhà phát triển.

Chia sẻ tại tọa đàm Café Xanh số 3, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Capital House đánh giá công trình xanh ngày càng có ý nghĩa với cuộc sống và cho biết tập đoàn này luôn cố gắng phủ xanh tối đa các dự án. 

Cùng với đó, đưa vào thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên, đảm bảo chất lượng không khí thông qua phát triển thêm cây xanh cũng như lắp đặt hệ thống lọc nước.

Thế kiềng 3 chân trong giải pháp cho vấn nạn môi trường
Ông Trịnh Tùng Bách

“Đó là những yếu tố bỏ ra 1 đồng nhưng với 50 năm vòng đời dự án thì mang lại giá trị không thể đo đếm được, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay”, ông Bách chia sẻ.

Liên quan đến lo ngại về chi phí, ông Bách cho biết giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho khoảng 1.000 căn hộ, chia ra sẽ không hề đắt chút nào.

Ở tầm vĩ mô, theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cho rằng Việt Nam đã đô thị hóa rất nhanh nhưng chưa đưa ra được các tiêu chuẩn đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế tốt và đúng nhưng chưa phù hợp với yêu cầu của môi trường, các trụ cột môi trường - kinh tế - xã hội chưa bền vững.

Thế kiềng 3 chân trong giải pháp cho vấn nạn môi trường 1
PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: Reatimes.

Để phát triển bền vững cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân là phải đảm bảo môi trường sống cho họ, bà An nhấn mạnh.

Luật pháp liên quan đến môi trường, công trình xanh đã có tương đối việc thực hiện chưa quyết liệt. Những doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới cho phát triển, còn không thì phải cho dừng lại ngay để đảm bảo trong sạch môi trường sống.

Bà An cũng kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, bởi mục tiêu của Chính phủ đề ra là vì nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi cấp. Khi xây dựng được các dự án bảo đảm được tiêu chí công trình xanh thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng lên.

“Tôi đề nghị nên có sự kiểm tra, đánh giá thực chất việc xây dựng công trình xanh. Hình thành những tiêu chí mà doanh nghiệp nào thực hiện đúng theo tiêu chí ấy, tức là phục vụ cho cộng đồng, cho cuộc sống người dân thì nên có cơ chế hỗ trợ về thuế, về đất và được công bố công khai. Đồng thời, cũng cần loại bỏ các nhà đầu tư không đủ năng lực, có sự không trung thực hoặc gian dối trong kinh doanh”, vị nữ viện trưởng chia sẻ.