Thêm cơ hội cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Huỳnh Anh - 11:17, 30/06/2020

TheLEADERQuỹ năng lượng sạch Đông Nam Á sẽ tập trung ban đầu vào Việt Nam, Indonesia và Philippines với mục tiêu thu hút hơn 2,5 tỷ USD đầu tư tư nhân cho các dự án năng lượng tái tạo.

Một số tổ chức từ thiện toàn cầu lớn lần đầu tiên công bố sáng kiến ​​tài trợ từ thiện có rủi ro cao nhằm mục đích thu hút hơn 2,5 tỷ USD đầu tư tư nhân cho các dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á.

Khi các nhà đầu tư truyền thống còn do dự do đại dịch Covid-19, sự can thiệp kịp thời này sẽ cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu có rủi ro cao, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các dự án năng lượng sạch mới.

Tập trung ban đầu vào Việt Nam, Indonesia và Philippines và được quản lý bởi công ty quản lý quỹ Clime Capital có trụ sở tại Singapore, Quỹ năng lượng sạch Đông Nam Á (SEACEF) được hỗ trợ bởi các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu quốc tế bao gồm Sea Change Foundation International, Wellspring Climate Initiative, High Tide Foundation, Grantham Foundation, Bloomberg Philanthropies, Packard Foundation và Children’s Investment Fund Foundation (CIFF).

Ông Mason Wallick, Giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ Clime Capital, cho biết ngay cả trong thời kỳ ổn định cũng rất khó để huy động 1 - 2% nguồn vốn để phát triển các dự án năng lượng sạch vì đây là khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao nhất.

Tuy nhiên, cơ hội cho đầu tư năng lượng tái tạo vẫn còn khá lớn, do đó nguồn vốn đầu tư rủi ro cao này có vai trò rất quan trọng trong thời điểm còn nhiều biến động như hiện nay, có thể giúp huy động nguồn tài trợ đáng kể cần thiết để biến các đề xuất thành các dự án năng lượng sạch lớn.

Theo Bloomberg New Energy Finance, điện mặt trời (tấm pin quang điện mặt trời) và điện gió trên bờ hiện là nguồn rẻ nhất trong số các nguồn phát điện mới xây dựng cho ít nhất 2/3 dân số toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều dự án khả thi có tiềm năng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á sẽ không được xây dựng nếu không có khoản tài trợ giai đoạn đầu như vậy, vì hầu hết các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này không sẵn sàng tham gia cho đến các khi các rủi ro phát triển giai đoạn đầu được giảm nhẹ.

Tài trợ giai đoạn đầu của SEACEF sẽ nhắm vào các công nghệ và mô hình kinh doanh đã được chứng minh trên toàn cầu như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và lưu trữ năng lượng, cộng với các mô hình kinh doanh khác giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi sang các-bon thấp - chẳng hạn như các phương tiện giao thông chạy bằng điện, công nghệ quản lý phía cầu, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng sạch.

Các tổ chức từ thiện toàn cầu bảo trợ cho SEACEF đã đầu tư 10 triệu USD ban đầu vào quỹ và hiện đang tìm cách thu hút tới 40 triệu đô la Mỹ vốn bổ sung. Dự kiến ​​mỗi USD tài trợ loại hình đầu tư mạo hiểm có rủi ro cao do SEACEF triển khai này sẽ giúp khơi dòng vốn đầu tư tiếp theo vào các dự án đầu tư năng lượng sạch trên khắp Đông Nam Á lên cao gấp 50 lần – đạt hơn 2,5 tỷ USD – đồng thời giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái địa phương của các nhà phát triển để phát triển thị trường.

Ông Imraan Mohammed, trưởng phòng đầu tư tác động tại CIFF, đánh giá quỹ mới này ra mắt vào thời điểm quan trọng khi cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến cho các nguồn tài chính truyền thống bị thu hẹp lại. Mục đích của quỹ là nhằm giúp bẻ cong đường cong của biến đổi khí hậu.

Các nhà đầu tư và các tổ chức đầu tư tác động đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách đó và huy động các nguồn tài trợ khác và đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á tiếp tục tăng tốc, ông cho biết.