Thiết kế kiểu dáng công nghiệp hỗ trợ cho người khuyết tật

Hường Hoàng - 11:53, 01/11/2022

TheLEADERLàm thế nào để người khuyết tật có thể mở nắp lọ mà không phải sử dụng toàn bộ bàn tay? Hay làm thế nào để một người bị viêm khớp hoặc chấn thương đầu gối có thể bước vào phòng tắm một cách an toàn? Đó là nhờ kiểu dáng của sản phẩm được thiết kế hợp lý.

Thiết kế kiểu dáng công nghiệp hỗ trợ cho người khuyết tật
Thiết kế dành cho người khuyết tật đang là một xu hướng thiết kế của tương lai (Ảnh: Fast Company)

Đây là những câu hỏi mang tính xu hướng trong ngành thiết kế hiện tại. Và một điều thú vị đó là những thiết kế này không chỉ mang lại lợi ích cho người khuyết tật, mà còn đem lại cả sự thoải mái, tiện dụng cho những người lành lặn, bình thường.

Nhiều thuật ngữ mới đã được đặt ra để mô tả quy trình thiết kế hướng đến ngày càng nhiều đối tượng người trong xã hội, trong đó có người khuyết tật, chẳng hạn như: “thiết kế phổ quát”, “thiết kế tiếp cận”, “thiết kế không rào cản” và “thiết bị trợ giúp”.

Trong đó, “thiết kế phổ quát” là một chiến lược thiết kế, khiến cho tất cả mọi người đều có thể sử dụng được các thiết kế (sản phẩm, tòa nhà, môi trường…) với mức độ nhiều nhất có thể, mà không cần phải điều chỉnh hoặc thiết kế chuyên biệt cho những người dùng cụ thể.

Nâng cao nhận thức của các nhà thiết kế

Đôi khi, chỉ cần nhận thức được những điểm thiếu sót trong thiết kế thì các nhà thiết kế có thể sẽ tìm được giải pháp tốt hơn.

Trong một lần đến thăm một trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhà thiết kế Shabtai Hirshberg đã chứng kiến ​​cảnh một cậu bé chống nạng từ chối sự giúp đỡ của bác sĩ vật lý trị liệu khi cố gắng leo lên một chiếc xe ba bánh, và cứ thế vướng chân vào ghế.

Tốt nghiệp ngành thiết kế công nghiệp của trường Cao đẳng Hadassah ở Jerusalem, ông Hirshberg đã dành vài tháng sau đó để làm việc với các nhà trị liệu vật lý và một nhà tâm lý học phục hồi chức năng, từ đó thiết kế ra một chiếc xe ba bánh tốt hơn, mang tên A2B, dành cho trẻ em khuyết tật.

Thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho người khuyết tật - Xu hướng thiết kế tương lai
Xe ba bánh A2B được thiết kế cho trẻ em khuyết tật sẽ thú vị và hữu ích cho bất kỳ trẻ em nào. (Ảnh: medgadget.com)

Loại xe ba bánh này có thể được dùng để phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật cũng như sử dụng làm đồ chơi trong hoạt động bình thường. Nhưng loại xe 3 bánh này không chỉ dành cho đối tượng duy nhất là trẻ khuyết tật, mà còn có một thị trường rộng lớn hơn.

Cụ thể, nhiều đặc điểm thiết kế của chiếc xe, chẳng hạn như hai bánh xe ở phía trước và tấm chắn trước ngực của chiếc có thể được sắp xếp lại để tạo hiệu ứng xe đua. Vì vậy, chiếc xe này sẽ rất hữu ích và thú vị đối với bất kỳ đứa trẻ nào.

Sự suy giảm các chức năng như thị giác, thính giác và khả năng vận động có thể ảnh hưởng và làm trầm trọng các chức năng khác. Những sản phẩm và môi trường được thiết kế kém có thể gây bất tiện cho những người bị suy giảm những chức năng như vậy, khiến cho cuộc sống của họ trở nên thiếu an toàn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Rani Lueder, chủ tịch công ty tư vấn Humanics ErgoSystems ở Encino, California, đã dạy về những yếu tố con người (human factors) cho sinh viên ngành thiết kế kiểu dáng công nghiệp tại Trung tâm nghệ thuật College of Design ở Pasadena. Để giúp sinh viên hiểu rõ thêm về khái niệm thiết kế phổ quát, cô yêu cầu họ phải mô phỏng lại vấn đề về khuyết tật thể chất như một phần của dự án thiết kế.

Ví dụ, một sinh viên đã đánh giá hoạt động sử dụng những phương tiện giao thông khác nhau bằng cách buộc một thanh kim loại được buộc vào lưng để mô hình hóa những hạn chế về thể chất liên quan đến chấn thương ở lưng.

Sinh viên khác lại sử dụng băng gạc quấn xung quanh các khớp để mô phỏng bệnh viêm khớp, hay mặc thêm những lớp thùng thình để bắt chước bệnh béo phì và sử dụng những công cụ làm hạn chế tầm nhìn ngoại vi.

Bài tập này đã mang lại sự hiểu biết một cách rõ ràng hơn cho những sinh viên thiết kế trẻ và khỏe mạnh về sự suy giảm chức năng. Nhiều người trong số họ cho biết bài tập này đã thay đổi vĩnh viễn suy nghĩ của họ về những tác động của thiết kế đối với nhóm người dùng dễ bị tổn thương này.

Thiết kế cho người già

Xu hướng nhân khẩu học cho thấy số lượng người trên 60 tuổi sẽ tiếp tục gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn hơn bao giờ hết trong dân số của Úc, Châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thiết kế.

Những sản phẩm và môi trường được thiết kế dành cho người già thường có xu hướng trông kém hấp dẫn hơn so với những khách hàng mục tiêu khác trên thị trường. Nhưng những thiết kế dành cho người già không nhất thiết phải thiếu thẩm mỹ. Ví dụ, nhà bếp dành cho người khuyết tật liên quan đến vấn đề lão hóa vẫn có thể trông tươi sáng, hiện đại và thân thiện.

Đội ngũ thiết kế của nhà sản xuất bếp từ Đức Alno đã tạo ra một căn bếp mới cho những khách hàng lớn tuổi bằng cách tập trung vào việc đưa những thiết bị làm bếp đến tay người dùng, từ đó khiến cho họ không phải cúi xuống.

Kết quả là một nhà bếp linh hoạt mang tên My Way đã ra đời. Đây là căn bếp sử dụng hệ thống theo dõi điện tử, cho phép tủ, thiết bị và thậm chí cả bồn rửa bắt đáp ứng được các nhu cầu của người dùng.

Chỉ với một nút nhấn, mặt bếp có thể được nâng lên hoặc hạ xuống phù hợp với độ cao của một chiếc xe lăn. Hơn nữa, mọi người ở mọi lứa tuổi và chiều cao cũng có thể tận hưởng việc nấu ăn trong một môi trường tùy chỉnh này.

Thiết kế cho việc vui chơi của trẻ

Trẻ khuyết tật thường hiếm có cơ hội vui chơi so với những đứa trẻ khác, không phải chỉ vì trẻ khuyết tật bị hạn chế các chức năng mà vì khi thiết kế, các nhà sản xuất sản phẩm vui chơi gần như không bao giờ tính đến những hạn chế đó.

Hình thức không đa dạng, giá thành cao và giá trị giải trí thấp là những nhược điểm thường thấy ở các sản phẩm chỉ dành cho trẻ em khuyết tật.

Đại học Buffalo (New York) đã hợp tác với một số nhà sản xuất đồ chơi nhằm tổ chức những chương trình để tối ưu hóa các tính năng phổ biến trong thiết kế đồ chơi. Qua đó, những vấn đề của trẻ em khuyết tật có thể được đưa vào quá trình thiết kế.

Bằng cách mở rộng “phạm vi khả năng” của đồ chơi, sao cho những đồ chơi đó có những tính năng mà trẻ khuyết tật có thể sử dụng thành thạo, những trẻ em khác cũng sẽ được hưởng lợi từ món đồ chơi đó (đây được gọi là phương pháp thiết kế phổ quát phù hợp với người khuyết tật).

Mặt khác, phương pháp thiết kế tiếp cận từ người khuyết tật có thể mở rộng những lựa chọn vui chơi của trẻ không khuyết tật. Với những món đồ chơi trị liệu có khả năng giải trí cao hơn, trẻ em không bị khuyết tật cũng có thể tận hưởng các yếu tố giải trí của món đồ chơi đó, đồng thời phát triển kỹ năng của bản thân mình.

Với thị trường có quy mô lớn hơn, chi phí sản xuất cũng sẽ giảm đáng kể, khiến đồ chơi có giá cả phải chăng hơn.

Trong giao tiếp

Một lĩnh vực khác ngày càng quan tâm đến nhu cầu của người khuyết tật đó là hoạt động thiết kế hệ thống thông tin. Truyền thông là xu hướng của hiện tại và tương lai, vì thế, dịch vụ viễn thông và Internet cần phải được cung cấp cho tất cả người dùng.

Trong một động thái tuân theo các nguyên tắc của Sáng kiến ​​Hỗ trợ Tiếp cận Web, WIPO đã cài đặt phần mềm dành cho người khiếm thị trên các máy tính công cộng. Phần mềm này cho phép người khiếm thị điều hướng khi các Web đọc to thông tin, khiến một lượng lớn thông tin trên Web có thể truy cập bằng thính giác.

Tương tự, các hệ thống viễn thông cũng đã tính đến nhu cầu của người khiếm thính bằng cách kết hợp dịch vụ điện thoại phụ đề. Đây là hệ thống sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói để chuyển giọng nói của người sử dụng thành văn bản.

Những thiết kế này cũng mang lại lợi ích cho những người không bị khuyết tật thông qua việc xây dựng một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả các thành viên trong xã hội, từ đó đưa nhiều người hơn vào môi trường nơi kiến ​​thức được lan tỏa và phát triển.

Giáo dục, nhận thức và đồng cảm

Những cuốn sách gần đây về thiết kế cho người khuyết tật đã làm sáng tỏ sự phát triển trong giới thiết kế. Công thái học dành cho trẻ em: Thiết kế Sản phẩm và Địa điểm cho Trẻ từ chập chững đến Thiếu niên (Ergonomics for Children: Designing Products and Places for Toddlers to Teens) do Rani Lueder cũng như cuốn sách Thiết kế của Tương lai (The Design of Future Things) do giáo sư thiết kế Don Norman biên tập là một vài trong số những tác phẩm mới nhất.

Giáo sư Norman cho biết: “Người khuyết tật không chỉ là một số nhóm nhỏ bị tước đoạt quyền được họạt động bình thường. Họ đại diện cho tất cả chúng ta. Vì vậy, bước đầu tiên là giáo dục, nhận thức và cảm thông”.

Chắc chắn rằng, việc quan tâm đến nhu cầu của người khuyết tật sẽ đem lại những thiết kế an toàn, linh hoạt và hấp dẫn hơn cho tất cả mọi người tiêu dùng, khiến cho mọi người ở mọi năng lực đều có thể hoạt động một cách bình thường và tiện lợi trong cuộc sống và công việc hàng ngày.