Thiếu nguồn cung vắc xin Covid-19 đe dọa nỗ lực chống dịch trên toàn cầu

Phạm Sơn - 08:32, 06/06/2021

TheLEADERTình trạng thiếu hụt vắc xin Covid-19 sẽ đe dọa tới công tác ngăn ngừa đại dịch của khoảng 60 quốc gia nghèo và đang phát triển.

Thiếu nguồn cung vắc xin Covid-19 đe dọa nỗ lực chống dịch trên toàn cầu
Hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam. Ảnh: Thanh niên.

Vắc xin được hy vọng là vũ khí mạnh nhất giúp nhân loại ứng phó với đại dịch Covid-19, chấm dứt cơn ác mộng đã phủ bóng đen lên toàn cầu trong suốt hơn 1 năm qua.

Hiện tại, ở Mỹ và châu Âu, những khu vực từng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020, tình hình đã trở nên ổn định. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia châu Á, dịch bệnh lại bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết.

Một trong những nguyên nhân được cho là đến từ việc chậm trễ triển khai vắc xin. Các quốc gia châu Á hầu hết đều khởi động chương trình tiêm phòng Covid-19 kể từ tháng 2/2021, trong khi Mỹ và châu Âu đã sử dụng vắc xin từ cuối năm 2020.

Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại châu Á, gây ra rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng là lúc các chính phủ nỗ lực đẩy mạnh triển khai vắc xin. Một số doanh nghiệp tại Việt Nam và Đài Loan cũng đưa ra đề xuất tự mua vắc xin để tiêm cho nhân viên để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì.

Tuy nhiên, cả chính quyền và doanh nghiệp tại châu Á đều đang phải đối mặt với nỗi lo khi việc tiếp cận nguồn cung ứng vắc xin ngày càng trở nên khó khăn về cả số lượng và khâu vận chuyển.

Nguồn cung vắc xin đã bị xiết chặt kể từ tháng 4 vừa qua, khi Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu vắc xin được sản xuất tại quốc gia này để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tính đến hiện tại, Ấn Độ đã tiêm vắc xin cho hơn 200 triệu dân, tuy nhiên vẫn còn cần một lượng vắc xin khổng lồ để triển khai trên quy mô dân số hơn tỷ người, trong khi tình hình dịch bệnh tại quốc gia này vẫn vô cùng phức tạp.

Bảo quản vắc xin cũng là bài toán khó giải của khu vực châu Á, đặc biệt trong thời điểm mùa hè oi nóng, trong khi các nhiều loại vắc xin Covid-19 hiện nay yêu cầu phải được bảo quản lạnh. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 50% vắc xin các loại bị lãng phí do khó khăn trong khâu logistics.

Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cảnh báo, tình trạng thiếu hụt vắc xin trên toàn cầu, hệ quả của sự bất bình đẳng trong phân phối cũng như khó khăn về logistics sẽ đẩy khoảng 60 quốc gia nghèo nhất thế giới vào tình trạng khó khăn.

Trong đó Triều Tiên, Haiti, Tanzania, Chad, Burundi và Eritrea là những quốc gia chưa nhận được bất cứ một liều vắc xin nào, theo AFP.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin đe dọa cả kế hoạch tiêm chủng của các nước phát triển. Nhiều bệnh viện tại thành phố Melbourne và Brunswick của nước Úc mới đây đã “cầu cứu” chính phủ vì không thể có đủ vắc xin đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng tăng cao đột biến, từ khoảng 2.300 liều lên hơn 20.000 liều mỗi ngày.

Đại diện Bộ Y tế đảo quốc Singapore mới đây cũng cho biết đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vắc xin, cố gắng đảm bảo chương trình tiêm chủng hoàn thành vào cuối năm nay theo đúng kế hoạch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu (COVAX), làm giảm hiệu quả của các chương trình tiêm chủng đang được tiến hành trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, tính đến đầu tháng 6, hơn 1 triệu liều vắc xin đã được tiêm, hầu hết là cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Theo thông tin từ Bộ Y tế, 170 triệu liều vắc xin đã được đặt hàng thành công và sẽ được chuyển về Việt Nam trong 2 quý cuối năm.

Từ ngày 2/6, các nhà mạng tại Việt Nam đồng loạt gửi tin nhắn kêu gọi người dân ủng hộ quỹ vắc xin phòng Covid-19, huy động nguồn lực cho nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Lễ ra mắt quỹ vắc xin phòng Covid-19 được tổ chức vào tối ngày 5/6.