Thủ tướng: Đưa nền kinh tế bật mạnh trở lại sau dịch

Nhật Hạ - 20:35, 10/04/2020

TheLEADERThủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh sau dịch như “một chiếc lò xo bị nén lâu ngày bật mạnh trở lại”.

"Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 diễn ra hôm nay.

Nhấn mạnh “thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế sau dịch.

Thủ tướng nhận định, Việt Nam lúc này cần các biện pháp mạnh mẽ, các cơ chế, chính sách cụ thể, đúng và trúng để phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh sau dịch như “một chiếc lò xo bị nén lâu ngày bật mạnh trở lại”.

Vì thế, Thủ tướng cho biết, ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết toàn diện về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh, xã hội.

Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng cho rằng, sự thích ứng, quyết tâm là chìa khóa để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.

Thủ tướng: Đưa nền kinh tế bật mạnh trở lại sau dịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các địa phương hôm nay. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ về tài khóa miễn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ giá viễn thông khoảng 15.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn dự kiến đưa ra gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí với giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng.

Đối với gói chính sách tiền tệ 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng cho biết, tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn bố trí cho năm 2019 và cả 2020.

Thủ tướng nhấn mạnh chế tài đặt ra là kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân. Nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn sang dự án khác, đồng thời thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, khi tốc độ tăng GDP quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

"Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được", ông Dũng nhận định.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt khoảng 5,32%. Nhưng nếu dịch kéo dài hết đến quý III, bộ này dự báo GDP chỉ tăng 5,05%.

Ngoài ra, tăng trưởng đạt thấp cũng khiến thu ngân sách nhà nước năm nay khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ở phương án tích cực nhất, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu 140.000 - 150.000 tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào quý II, tăng trưởng GDP đạt 5,3%, giá dầu bình quân 35 USD/thùng và khoản thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không đạt.

Trong đó, thu từ ngân sách Trung ương giảm 100.000-110.000 tỷ đồng, và ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

Nếu GDP dưới 5%, ông Dũng nói thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ở các lĩnh vực đang đình trệ vì Covid-19 như dịch vụ, du lịch, tiếp vận hậu cần... 

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác trong nước và 50% công tác phí nước ngoài.

Ngoài nguồn dự phòng, dự trữ tài chính ngân sách địa phương, ông Dũng đề nghị các địa phương phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý phát sinh. 

Bộ Tài chính dự báo, bội chi ngân sách năm nay có thể tăng thêm 1,5-1,6% GDP. Ngay trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bộ chi thì tỷ lệ bội chi so với GDP dự kiến vẫn tăng, do quy mô GDP không đạt kế hoạch.

Theo bộ này, ngân sách nhà nước dành nguồn lực 16,2 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch; trong đó, đã dành khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng ngân sách Trung ương và địa phương để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. 

Bộ này dự kiến có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này trong thời gian tới. 

Ước tính, khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng sẽ dành để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly.