Tìm lời hứa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam

Quỳnh Chi - 08:05, 20/04/2023

TheLEADERCEO Pharmacity Trần Tuệ Tri mong muốn câu chuyện thương hiệu Việt Nam là câu chuyện lớn, cần sự chung tay của nhiều người. Bà kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của sự đổi mới, hạnh phúc và thịnh vượng, là nơi người Việt tìm về và nhà đầu tư tìm đến.

“Bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên khi nhắc tới Việt Nam” là câu hỏi mà CEO Pharmacity Trần Tuệ Tri đặt ra khi bắt đầu bài trình bày của mình trong buổi ra mắt cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng” do bà làm tác giả.

Bên cạnh những từ khoá đã làm nên bản sắc của người Việt trong con mắt của bạn bè quốc tế từ trước đến nay như bất khuất, kiên cường, lạc quan, chăm chỉ… đã được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hay Tổng giám đốc Mekong Capital Chad Ryan Ovel nhấn mạnh thì ẩm thực và cảnh đẹp cũng là những từ khoá được nhắc đến nhiều lần.

Tìm lời hứa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam
CEO Trần Tuệ Tri kí tặng sách cho bạn đọc

Trước đó, quá trình phỏng vấn để tìm tư liệu hoàn thành cuốn sách cũng là dịp bà Tri gặp gỡ, trò chuyện cùng những người có tầm ảnh hưởng như GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn, GS. Ngô Bảo Châu, nhà thiết kế thời trang Công Trí… Nhận định về những điểm làm nên sự khác biệt của người Việt, họ đều có chung quan điểm là: sự kiên cường và tinh thần đoàn kết xuất phát từ niềm tự hào dân tộc.

“Chúng ta thấy được tinh thần đó qua các cuộc chiến tranh, qua những cuộc khủng hoảng như Covid-19 hay trong các cuộc thi đấu ở trường quốc tế mà lá cờ đỏ sao vàng tung bay niềm tự hào Việt Nam”, bà Tri nói.

Tham dự hội nghị Thượng đỉnh biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Paris, bà Tri có cơ hội gặp gỡ các tỷ phú là lãnh đạo của những tập đoàn lớn trên thế giới. Khi nghe bà giới thiệu mình đến từ Việt Nam, họ bày tỏ thái độ rất tôn trọng vì lịch sử vẻ vang của Việt Nam.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công và ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Sau quãng thời gian dài làm việc ở nước ngoài, bà Tri trở về Việt Nam ngay giữa giai đoạn làn sóng dịch Covid-19 đang dâng cao. Suốt những năm đại dịch, Việt Nam và cả thế giới chứng kiến tình trạng kinh tế vĩ mô khá bất ổn. Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, lạm phát, thị trường chứng khoán đi xuống…

Tuy nhiên, những thành tựu Việt Nam đạt được, ngay cả trong đại dịch, cũng đã gây được tiếng vang. Việt Nam được báo Singapore nhận định là “con hổ đang lên của châu Á”. Tăng trưởng du lịch của Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới giai đoạn 2015-2019.

Dù bị “đóng băng kinh tế” nhưng từ đầu 2022, kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục. Thời điểm bà Tri đang viết cuốn sách vào tháng 10 năm ngoái là thời điểm mà Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng kết 2022, GDP tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm.

“Sự phục hồi nhanh chóng này đã thể hiện rất rõ tính dẻo dai, linh hoạt, nền tảng vững chắc của con người, doanh nghiệp hay rộng lớn hơn là đất nước Việt Nam. Điều này càng khiến tôi tự tin rằng, chúng ta đang ở thời khắc vàng để đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia”, bà Chi nhận định.

Theo đánh giá của Brand Finance năm 2022, thương hiệu Việt Nam được định giá 431 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm trước đó, tăng một bậc lên vị trí thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Tổ chức này đánh giá thương hiệu quốc gia dựa trên bốn lĩnh vực: thương hiệu hàng hóa và dịch vụ quốc gia; đầu tư; du lịch và nhân tài.

Nhìn về tương lai

Theo bà Tri, thương hiệu không phải là logo hay nhận dạng thương hiệu, lại càng không phải là sản phẩm. Đó là những gì đọng lại trong tâm trí và cảm xúc mỗi người, là lời hứa chân thật được nuôi dưỡng và lan toả một cách bền vững.

“Vậy lời hứa gì cho Việt Nam để tất cả mọi người có thể tập trung xây dựng trong nhiều năm và nuôi dưỡng một cách bền vững”, bà Tri đặt vấn đề.

Tìm lời hứa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam
Cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng”

Khảo sát hàng trăm người Việt trong nước và thế giới về những điều quan trọng để Việt Nam là nơi họ muốn sống nhất thì giáo dục, y tế và môi trường bền vững là những thứ được phần đông đưa ra.

Với khách du lịch, các yếu tố gồm văn hoá, thiên nhiên và ẩm thực là những thứ khiến họ muốn đến thăm đất nước hình chữ S.

Còn với nhà đầu tư, các yếu tố như con người (năng lực), sự bền vững và sự minh bạch khi làm việc ở Việt Nam là những yếu tố họ mong muốn nhất khi tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Đã qua rồi cái thời Việt Nam có thể tận dụng yếu tố giá rẻ như một lợi thế cạnh tranh.

“Tôi mong muốn câu chuyện thương hiệu Việt Nam là câu chuyện lớn và cần sự chung tay của nhiều người, muốn Việt Nam là điểm đến của sự đổi mới, hạnh phúc và thịnh vượng, nơi người Việt tìm về và nhà đầu tư tìm đến”, bà Tri nói.

Với lợi thế của Việt Nam về nguồn nông sản bà Tri cho rằng, Việt Nam có thể trở thành một bếp ăn ngon và sạch của thế giới như xu hướng “bền vững” đang lên. Việt Nam đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê,…nhưng thu nhập của người dân còn quá thấp và chưa được người tiêu dùng quốc tế biết đến vì sản phẩm chưa có thương hiệu.

Ủng hộ quan điểm này, ngài đại sứ Mỹ cho rằng Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản về cách đưa món sushi ra thế giới thông qua việc khuyến khích người nước ngoài học nấu ẩm thực Việt và mở nhà hàng đồ ăn Việt Nam, vừa quốc tế hoá được món ăn mà vẫn giữ được phong vị địa phương.

Từ góc nhìn của Tổng giám đốc Mekong Capital, Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nhân nhiều hơn để họ có thể sản xuất và quảng bá sản phẩm có thương hiệu của doanh nghiệp cũng chính là thương hiệu của Việt Nam ra thế giới. Xa hơn là như bà Tri nhận định, cần tạo được một làn sóng các thương hiệu “made in Việt Nam” trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thu hút đầu tư trong chính sách Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu như một thập kỷ trước ông phải dành đến 50 phút nói về Việt Nam trong một cuộc gặp 60 phút với các nhà đầu tư quốc tế thì đến nay, nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm hiểu và tìm đến Việt Nam. Ông cho rằng, cách làm hiệu quả để quảng bá thương hiệu không chỉ là mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài mà là mời thật nhiều du khách và nhà đầu tư đến trực tiếp trải nghiệm Việt Nam.

Với kho tàng đồ sộ về văn hoá của Việt Nam với hàng nghìn làng nghề, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, các di sản có thể trở thành các sản phẩm trải nghiệm độc đáo, đại diện cho văn hoá Việt Nam.

Các chuyên gia về văn hoá cho rằng, muốn làm thương hiệu đúng nghĩa cần sự hỗ trợ của văn hoá, kinh tế phải lấy văn hoá làm vốn liếng. Theo ông Cương, văn hoá phải là trụ cột của ngôi nhà, là bệ đỡ của phát triển.

Tìm lời hứa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam 2
CEO Pharmacity Trần Tuệ Tri

Nói về lời hứa của thương hiệu Việt Nam, bà Tri cho rằng Việt Nam cần thể hiện được hai chữ ĐỔI MỚI, cũng là thứ Việt Nam đã làm rất tốt trong suốt 30 năm qua. Không chỉ là quá trình đổi mới đất nước mà trong mọi hoạt động để tạo tính đồng bộ và làm nên thương hiệu. Nói đến Việt Nam là nói đến đổi mới trong cách nghĩ và cách làm.

"Tôi mong Việt Nam sẽ là điểm đến của sự đổi mới, thịnh vượng và hạnh phúc", bà Tri chia sẻ.

Các thế hệ người Việt sau hàng nghìn năm đã cùng nhau làm nên kho tàng di sản. Giờ đây, câu chuyện biến di sản thành tài sản, câu chuyện phát triển thương hiệu Việt Nam sẽ là câu chuyện của các thế hệ trẻ tiếp nối. Các thế hệ đi trước cần có trách nhiệm hỗ trợ người trẻ trên hành trình trở thành các nhà lãnh đạo thông thái, những người dẫn dắt sự thay đổi.