Tối giản của Lê Thiết Cương

Kim Yến - 08:05, 27/01/2020

TheLEADERNhắc đến hoạ sĩ Lê Thiết Cương, người ta nhớ ngay đến hai chữ “tối giản” và để theo đuổi đến cùng con đường tối giản này, anh đã từng phải trả giá không nhỏ trong những lựa chọn sống, lựa chọn nghệ thuật.

Tối giản của Lê Thiết Cương
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương.

Nhìn lại những bức tranh ngay từ khi còn rất trẻ, tối giản dường như đã nằm trong máu của anh?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Không phải là con đường nghệ thuật tối đa thì không hay nhưng tạng người, tạng tính nghệ thuật của tôi là tối giản. Tôi ưa tư duy khúc triết, gãy gọn, ngắn gọn nhưng hàm súc.

Tôi thích Kinh Dịch vì Kinh Dịch rất tối giản, muôn sự ở đời chỉ quy về tám quẻ, quy về ngũ hành và cuối cùng chỉ còn âm dương. Tôi thích cái chất “không giải thích” của Lão Tử. Tôi thích Kinh Bát Nhã vì tóm lược con đường của cụ Thích Ca lại còn 265 chữ…

Tạng của tôi là tối giản nhưng người chỉ ra tôi là tối giản chính là nhà thơ Đặng Đình Hưng.

Tối giản của Lê Thiết Cương
Tác phẩm "chiếc ghế" của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Theo anh, làm thế nào để đi đến tận cùng con đường tối giản?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Muốn đi đến tận cùng con đường tối giản thì phải… tối đa.

Tôi thích nhiều thứ, thích đọc sách văn chương, thi ca, Đông cũng như Tây, cổ điển cũng như hiện đại, thích kịch, thích điện ảnh, thích đọc triết phương Đông. Nhà tôi chật vì nhiều sách.

Tôi thích cả nhiếp ảnh, tôi chụp nhiều và cũng có cả một tủ sách về nhiếp ảnh nhất là ảnh của các phóng viên nước ngoài chụp về chiến tranh Việt Nam.

Tôi thích âm nhạc cổ điển Việt Nam như ca trù, chèo, xẩm, quan họ… và âm nhạc cổ điển châu Âu. Tôi có một tủ băng, đĩa CD và LP.

Tôi thích sưu tập, tôi có hai bộ sưu tập: Đồ gỗ, sơn mài và đồ gốm Việt Nam.

Nếu không tối đa thế thì tối giản sao được? Vì tri thức trong sách vở là thầy của mình. Giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông trong đồ xưa cũng là thầy của mình. Muốn làm nghệ thuật thì trước tiên phải có tri thức. Vài ba hình mầu trong tranh chỉ có giá trị khi bên dưới những hình những mầu ấy phải có thông tin hoặc thông điệp gì đó còn nếu không thì mới chỉ là đơn giản chứ không phải giản dị, không phải tối giản.

Là hoạ sĩ đam mê thể nghiệm nhiều loại ngôn ngữ biểu đạt, dường như con đường của anh đến với triển lãm “Chuyện ghế”, “Mặt” là cả một quá trình dài khám phá, theo đuổi vô cùng gian nan và thú vị, có thất bại, có đau đớn, có chia ly?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi không bao giờ muốn lặp lại mình. Mỗi lần triển lãm là phải đưa ra được một cách nhìn gì đó về nghệ thuật tối giản. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên, Đồng Dao (1991) là những bức tối giản sơ khởi, bột mầu trên giấy. Sau đó là những triển lãm về chân dung tối giản, phong cảnh tối giản, tĩnh vật tối giản. Năm 2005 là triển lãm Hạt Gạo, chỉ có đen trắng, không màu.

“Chuyện Ghế” là một triển lãm về thiết kế tối giản. Cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng “nói” ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng vô ngôn. Ngôn ngữ tạo hình khúc triết. Kết hợp tương phản của những cặp đối lập để tạo ra bất ngờ. Mảng và nét, mảng đặc và mảng rỗng, đầy ắp và trống trải, cân bằng và nghiêng lệch, kỷ hà và đường cong.

Sự hấp dẫn không phải ở bản thân những yếu tố riêng rẽ đó mà khi chúng tiếp xúc hoặc đối thoại cùng nhau. Đôi khi có vài chi tiết kiểu chữ Thọ hoặc hoa văn chữ Triện của truyền thống Á Đông, đôi khi chất liệu sắt kết hợp với gốm Bát Tràng thì cũng chỉ là điểm xuyết để truyền thống ấy hiện đại hơn và hiện đại ấy truyền thống hơn.

Cuộc sống không chỉ có vui vẻ, hạnh phúc mà bên cạnh nó là mất mát, đau đớn, buồn bã, bất hạnh…Bên cạnh cái dương luôn là cái âm. Nhưng tất cả những âm dương ấy chính là nguyên liệu để nuôi nghệ thuật. Nếu mình sống hết, sống đúng nghĩa, sống đến tận cùng của cảm xúc ấy, trải nghiệm ấy thì có thể mới có nghệ thuật được. Sống bao giờ cũng khó hơn làm nghệ thuật. Phải nên sống trước đã rồi hẵng làm nghệ thuật. Làm người đã rồi hẵng làm nghệ sĩ. Làm người là khó nhất. Tôi luôn tự nhủ như vậy.

Tối giản của Lê Thiết Cương 1
Một tác phẩm trong triển lãm 'Mặt'.

Nghệ thuật bao giờ cũng đi từ những câu chuyện hết sức cá nhân cụ thể, riêng tư nhưng nó chỉ thành nghệ thuật khi những câu chuyện cá nhân ấy chạm được vào câu chuyện của “cõi người ta”, của số đông, của mọi người, của kiếp người. Chỉ có thân phận người mới bảo lãnh được cho nghệ thuật. 

Dường như với anh, không có ranh giới giữa điêu khắc và hội hoạ, giữa hiện đại và dân tộc, giữa tinh thần Phật Giáo và tinh thần tối giản, giữa giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Vẽ tranh, làm điêu khắc, làm gốm, làm thiết kế… làm gì với tôi cũng là làm nghệ thuật, nghệ thuật tối giản, cũng là làm tôi, cũng là khám phá mình, trở về với mình. Tôi thích Phật giáo vì tôi thấy sự tối giản của Thiền tông, sự an tĩnh, vô ngôn của Thiền hợp với nghệ thuật tối giản của tôi.

Tôi nghiên cứu nghệ thuật truyền thống trong gốm Lý, Trần, Lê, Mạc. Trong điêu khắc đình làng nhưng tôi không sao chép truyền thống. Tôi muốn đứng trên mảnh đất truyền thống để làm nghệ thuật hiện đại chứ không muốn đứng trên mảnh đất nghệ thuật hiện đại (Tây phương) để làm nghệ thuật hiện đại.

Tự nhận mình là “người nhà quê”, yêu làng đến mức cực đoan, để mỗi tác phẩm của mình có thể đi vào cuộc sống đời thường, hít thở với từng thân phận con người, anh đã từng sống với người làng gốm, làng giấy dó, từng đau buồn thao thức với mỗi thân phận làng nghề như thế nào, để làm nên những màu men giản dị mà xưa cũ, những chiếc ghế chuyên chở cả tâm sự của một triều đại, một phận người?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Thế hệ 6X của chúng tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng khoảng 10 năm đầu đời là giai đoạn Mỹ ném bom miền Bắc nên chúng tôi sơ tán về sống ở các vùng quê. 10 năm ở nhà quê ấy làm nên cái nền móng của tâm hồn tôi. Nước Việt là nước làng – người ta hay gọi là làng nước là thế. Văn hóa, văn minh, nghệ thuật của người Việt thì đều ở làng mà ra.

Làm sao không buồn được khi đình chùa càng tu bổ càng hỏng, hội làng thì lai tạp, nghề thủ công truyền thống cũng bị mất mát nhiều. Một cái cổng làng, một ngôi nhà cổ, mọt cái giếng làng bị phá đi, bị mất đi thì không chỉ là cái cổng làng, cái nhà, giếng bị mất mà đó chính là mất truyền thống, mất lịch sử, mất linh hồn Việt.

Làng gốm cổ Hương Canh chỉ còn vài lò, làng gốm Thổ Hà hơn 300 tuổi đã chết. Mất đi cái mầu nâu gốm sành của những làng gốm ấy là mất văn hóa vì trong mầu gốm ấy có thủy thổ, có tập tục, có tính tình của người Việt.

Tối giản của Lê Thiết Cương 2
Một tác phẩm trong triển lãm 'Mặt'.

Với dự án “Kinh gốm” sắp trình làng, anh lại làm mọi người bất ngờ khi đưa kinh sách, thi ca vào gốm bằng con đường tối giản, anh muốn truyền tải điều gì?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi đến với gốm từ lúc còn là sinh viên. Tuần nào cũng đạp xe sang làng Bát Tràng xem, chơi học hỏi các công đoạn của nghề gốm: Than củi, lò bễ, làm đất, tạo hình sản phẩm, vẽ khắc hoa văn, men thuốc, vào lò, ra lò… Thích gốm, mê gốm dẫn đến chơi gốm, sưu tầm gốm cổ Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (thực chất cũng là học).

Tôi thích tư tưởng nhà Phật hoàn toàn tự nhiên, với gốm cũng vậy. Chính thế nên ý tưởng làm triển lãm “Kinh gốm” ra đời. Chọn những câu kinh điển của nhà Phật và những câu thơ Thiền (Việt Nam) viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh họa. Những câu này ngắn gọn, có khi chỉ vài ba chữ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, giản dị mà sâu sắc, rất hiện đại và khoa học.

Ví dụ, có một cái lọ ghi câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Có chính là không và ngược lại. Hiểu được vậy thì sẽ hiểu một hạt cải có thể chứa được cả quả núi. Như A. Einstein đã coi năng lượng là (chuyển thành) vật chất và vật chất là năng lượng, trong cái công thức nổi tiếng: E = mc2.Cũng ý này, Trịnh Công Sơn viết “con sông là thuyền / mây xa là buồm / một giọt sương thu cả mênh mông”.

Trong bài thơ “Ghế Cương”, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha đã từng thốt lên “Ghế Cương độc khắc vào đời”. Dường như trong anh là cả một sự trái ngược đầy mâu thuẫn, phải chăng tinh thần Phật giáo đã hoá giải tất cả, và đưa anh đến sự an nhiên, tĩnh tại, một mình, để đi đến cùng với sáng tạo?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tính tôi quyết liệt, làm gì cũng đến cùng, ôm đồm, làm nhiều việc, đúng hẹn, giữ lời. Muốn vậy thì phải có kế hoạch, sắp xếp công việc, trước sau thứ tự. Có người bảo tôi không có nghệ sĩ tính. Tôi trả lời: Tôi chỉ cảm hứng, ngẫu hứng, bay bổng trong nghệ thuật thôi. Còn ngoài đời tôi muốn tôi là một người bình thường như mọi người. Làm trọn vẹn trách nhiệm của một người bình thường mới khó.

Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất dạy: Bình thường tâm thị đạo; hiểu là, tâm bình thường chính là đạo rồi. Tính tôi cực đoan, nóng lạnh thất thường, lý trí và tình cảm, lãng mạn và thực tế… nhưng may mắn tôi học được cách cân bằng, tôi hiểu về âm dương nhưng cũng biết trong âm có dương và ngược lại, tôi hiểu âm dương cân bằng, động tĩnh tùy thì là đạo. Tôi hiểu Có chính là Không, Không chính là Có. Tôi thích tư tưởng Trung đạo của Bồ Tát Long Thọ. Có lẽ vậy mà tôi vẫn an nhiên dù thế nào để được làm nghệ thuật.

Trong những phút giây buồn bã, xao lòng, anh thướng thốt lên” may ta còn bạn bè”, bạn bè dường như chiếm vị trí rất lớn trong trái tim anh? Những tình bạn nào đã mang lại cho anh sự tao ngộ, sự đồng đẳng và thăng hoa cả trong cuộc sống và nghệ thuật?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Trời cho tôi có nhiều bạn, bạn bè văn chương nghệ thuật các nghề, Trung, Nam, Bắc. Dù không làm được thơ, được phim, được kịch… nhưng tôi hiểu về các nghề đó để có thể trò chuyện, chia sẻ, thưởng thức được tác phẩm của họ. Phải hiểu, phải đối thoại được mới làm bạn với nhau được. Cũng chính vì thế nghề hội họa làm cho tôi có nhiều bạn.

Tôi thiết kế bìa sách, minh họa thơ, truyện cho nhiều nhà văn, nhà thơ thế là thành bạn, là quý mến nhau. Bạn khác nghề cũng là thầy mình, chơi với anh Nguyễn Quang Thiều sẽ học được nhiều về thi ca, chơi với anh Nguyễn Thụy Kha sẽ hiểu hơn về âm nhạc, chơi với anh Nguyễn Huy Thiệp học thêm được về văn chương, về kinh nghiệm sống. Một mảng nữa là các họa sĩ trẻ vì tôi viết nhiều về các triển lãm, các tác phẩm của họ, tôi coi họ là đồng nghiệp, là bạn.

Tối giản của Lê Thiết Cương 3
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Anh đánh giá thế nào về vai trò của các nhà sưu tập, các doanh nhân trong việc hình thành và phát triển thị trường tranh nghệ thuật?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Điểm khác biệt đầu tiên, dễ nhận ra nhất của thị trường nghệ thuật hôm nay đó là khách hàng chủ yếu là người Việt. Từ phân khúc thị trường các tác phẩm giá cao, ví dụ như tranh của thế hệ các họa sỹ bậc thầy trường Mỹ thuật Đông Dương với 3 bộ tứ Trí Vân Lân Cẩn, Phổ Thứ Lựu Đàm, Nghiêm Liên Sáng Phái. Có thể nói hở ra bức nào là hết bức đó. Tất cả các cuộc đấu giá trên thế giới từ to đến bé, hễ có tranh của họa sỹ Việt Nam là sẽ có người Việt Nam tham gia đấu, tỷ lệ đấu thành công gần như 100%. Giá tranh của các họa sỹ nêu trên đang ở xu thế tăng dần đều.

Hay ở chỗ, giá tranh tăng lên do chính những người mua là người Việt đẩy lên. Có thể nhận thấy khá dễ dàng về một trào lưu hồi hương các tác phẩm hội họa của các bậc thầy. Trong những người chăm đi nước ngoài đấu giá, người thì sưu tập, người thì đầu tư mua rồi về bán lại và có cả những người được thuê đi đấu.

Qua theo dõi các cuộc đấu giá của mấy nhà đấu giá trong nước gần đây thì thấy 100% là người Việt dự đấu giá và trúng đấu giá đều là người Việt, nhiều người Việt trẻ, nhiều nhà sưu tập mới. Thật là những tín hiệu đáng mừng. Tất cả các bức tranh bán được trong khoảng 5 triển lãm lớn ở Hà Nội từ đầu năm 2018 đến nay đều do người Việt mua.

Anh có hài lòng với những gì mà số phận đã dành cho anh?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi mất nhiều nhưng cũng được nhiều, được làm nghệ thuật, làm điều mình yêu thích và sống được bằng nghề. Thế là hài lòng rồi vì làm gì có được mà không mất. Hài lòng nữa là vì trời cho tôi đủ hiểu biết để biết đọc sách, biết nghe nhạc, biết thưởng thức vẻ đẹp của một món đồ xưa.

Giả sử có tiền mà không biết vẻ đẹp của âm nhạc, nhà không có tranh, không có sách vở, không có vài món đồ xưa, không có đồ gỗ, không có gốm thì tẻ nhạt biết chừng nào. Sống là thưởng thức cuộc sống, hạnh phúc luôn giản dị, uống chèn trà, ngắm lọ hoa, đọc vài trang sách… đấy là hạnh phúc. Phật bảo: Niết bàn tại thế. Niết bàn ở ngay đây và bây giờ.  

Xin cảm ơn anh!