Trị bệnh sợ trách nhiệm

Nhật Hạ - 21:33, 31/05/2023

TheLEADERCác đại biểu Quốc hội cho rằng cần xác định cần phân định rõ bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm và nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của họ, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.

Trong báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến nội dung "một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn hiện nay.

Tìm nguyên phát của căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh trang tin Quốc hội

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh) đặt vấn đề tại sao trước đây không xuất hiện hiện tượng này mà đến nay mới xuất hiện, không những thế còn lan rộng từ trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư.

Do vậy cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này, từ đó mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/5, đại biểu Tuấn cho rằng có hai nhóm cán bộ sợ trách nhiệm. Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đối với nhóm đầu tiên, theo ông, có thể khắc phục được ngay vì trong bất kỳ thời điểm nào, cơ quan, đơn vị nào cũng đều tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như vậy. Trong thời điểm 'dầu sôi lửa bỏng' như hiện nay, giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những người này bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm, như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẵn sàng thay người vì màu cờ sắc áo, khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả.

Về lâu dài, ông Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn. Đây là cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tìm nguyên phát của căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’ 1
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Chiếm số đông, nhóm thứ hai là nguyên nhân chính tạo ra những hạn chế, tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nhóm cán bộ này xuất phát từ văn bản pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện, cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau.

Đại biểu Tuấn kể lại từng chứng kiến bên lề kỳ họp có hai đại biểu tranh luận về nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Điều này phản ánh việc hiểu pháp luật theo nhiều cách đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp và không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả thanh tra, kiểm tra.

Ông lo ngại trong số cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật, nhiều vụ việc bị phát hiện, xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự, có những cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm, nhưng không thể triển khai công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.

Do đó, ông Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa. Thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. 

Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Trong đó, các cơ quan cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

"Trong thực thi công vụ, để làm tốt chức trách, nhiệm vụ mà quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì tôi chắc chắn cán bộ sẽ nỗ lực, năng động, sáng tạo tìm cách làm hiệu quả", đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn tỉnh Trà Vinh) nhận định.

Thế nhưng trong thực tế, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả, "thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành. “Và chúng ta đang gọi họ là những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", theo đại biểu Hậu.

Tìm nguyên phát của căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’ 2
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Dù vậy, Điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm cũng như luật cán bộ, công chức đều yêu cầu đảng viên, cán bộ công chức phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không được chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Những quy định nêu trên là đúng, nên cán bộ phải đứng trước lựa chọn giữa không làm thì không sai với làm thì vi phạm pháp luật và chắc chắn họ hết sức phân vân. Những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì "có lẽ là điếc không sợ súng hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật".

Ông lo ngại tình trạng cơ quan công quyền các cấp thấy quy định sai mà không sửa được hoặc không thể sửa kịp thời. Do đó, việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng trở thành khó khăn, bất khả thi, vì bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, nhưng sau ba lần chỉnh sửa, dự thảo vấn vướng nhiều quy định của pháp luật. Vì vậy, bộ đang tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết thí điểm về việc này, sau đó Chính phủ ban hành nghị định.

Theo đại biểu Hậu, cần có cơ chế để cán bộ các cấp không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, chỉ cần tập trung công sức, trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả. Muốn vậy, khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì phải sửa ngay với quy trình chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.