Triết lý của Nutricare

Tùng Anh - 09:45, 20/11/2022

TheLEADERVới 70% giá trị tăng trưởng đến từ hoạt động đổi mới sáng tạo, Nutricare đầu tư nhiều cho nghiên cứu phát triển, đặt tầm nhìn xây dựng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thể chất, cung cấp trọn vẹn “dinh dưỡng vòng đời” cho người Việt Nam.

Triết lý của Nutricare
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare

Xác định vị thế 

Được thành lập vào năm 2010, bước đi đầu tiên của Nutricare là làm sản phẩm cho dự án do châu Âu tài trợ nhằm giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare cho biết, trong quá trình phát triển sản phẩm, ông nhận thấy nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều so với các số liệu thống kê.

“Người Việt Nam thời điểm đó cũng chưa biết rằng con mình thực sự thiếu chiều cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Khi sản phẩm đưa ra thị trường khách hàng dùng rất thích, thường xuyên không đủ hàng để bán. Điều này chứng minh cho kỳ vọng của chúng tôi về tiềm năng phát triển lớn của một thị trường ngách”, ông Minh chia sẻ trong The Next Power. 

Ngày nay, nhu cầu của xã hội đã có nhiều thay đổi. Không chỉ thuần túy ăn khi đói và uống khi khát, con người cần nhiều năng lượng để học tập, làm việc, phấn đấu và giải quyết những nhu cầu về mặt xã hội. Trẻ em được đầu tư cho học tập, chăm sóc dinh dưỡng để đạt được thể trạng tốt, chiều cao, sức bền, khả năng đề kháng chống lại bệnh tật.

Nhu cầu càng cao, sự cạnh tranh trong thị trường chế phẩm phục vụ sức khỏe càng lớn. Nutricare tiếp cận khách hàng bằng những sản phẩm ứng dụng khoa học mới nhất của thế giới.

“Chúng tôi phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam nên biết rõ mô hình tiêu thụ lương thực thực phẩm, đặc điểm sinh thể của người Việt Nam để tạo ra một sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của họ với giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại”, ông Minh nhấn mạnh.

Chiến lược “tái tổ hợp” để phát triển sản phẩm

Chia sẻ về định hướng sản phẩm của Nutricare, ông Minh cho biết, sản phẩm dinh dưỡng y học khá phức tạp, được xây dựng cho một cá thể cụ thể và phục vụ cho một trường hợp bệnh lý hoặc một nhu cầu.

Mô hình xây dựng sản phẩm của Nutricare là hướng tới cung cấp dinh dưỡng vòng đời. Cụ thể là từ khi người phụ nữ mang tới, tới khi đứa trẻ được sinh ra, sau đó uống sữa, ăn bột, lớn lên trưởng thành đi học, đi làm, có bệnh và già đi. Trong mỗi giai đoạn đó, nhu cầu dinh dưỡng không giống nhau và đều cần các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt. Nutricare sẽ đồng hành với khách hàng trong mỗi giai đoạn của cuộc đời và phục vụ đa dạng những nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi lứa tuổi.

Nutricare luôn ứng dụng những thành tựu mới trong công nghệ cho các sản phẩm của mình. Doanh nghiệp thực hiện tái tổ hợp lại nguyên liệu dinh dưỡng để tạo thành một sản phẩm khác biệt, mua nguyên liệu ở các dạng khác nhau, xây dựng lại các công thức để phục vụ cho các nhóm đối tượng theo đúng nhu cầu cơ thể của họ trong giai đoạn sống, trong giai đoạn luyện tập, điều trị.

Lấy ví dụ từ sản phẩm sữa, ông Minh cho biết, từ một sản phẩm sữa bò sẽ tách béo, tách protein; trong protein sẽ tách ra các loại khác nhau. Có loại tiêu rất chậm dành cho phụ nữ để tạo cảm giác no lâu, giảm khối lượng ăn, giúp giảm cân. Protein của sữa bò được tách ra thành whey protein tốt cho cơ bắp.

CEO Nutricare: ‘Chúng tôi không kinh doanh theo kiểu lãng mạn’
Nutricare đầu tư mạnh cho R&D

'Không kinh doanh lãng mạn'

Xuất phát từ vai trò là bác sĩ, sau đó bước vào con đường kinh doanh, Nutricare thể hiện thế cân bằng giữa khoa học và kinh tế, tương tự như góc nhìn của người đứng đầu. Công ty đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Thậm chí có những khoản đầu tư cho sản phẩm có tiềm năng trong tương lai dài hạn, hoặc có thể chỉ là thuần túy đóng góp cho xã hội.

Ông Minh cho biết, cái nhìn đổi mới của bác sĩ luôn cần phải cân bằng với hiệu quả kinh doanh. Quyết định của doanh nghiệp là quyết định về mặt kinh doanh chứ không phải chỉ của riêng những người muốn đầu tư nghiên cứu hay của người làm tài chính muốn lời thật nhiều. Nó phải cân đối được các thước đo chỉ tiêu phát triển của doanh nghiệp. Trong đấy có doanh thu, có lợi nhuận, có trách nhiệm cho xã hội. Bài toán cảm giác sẽ có biến số nhiều hơn.

“Nhưng thực ra nếu thiếu một yếu tố cân bằng thì doanh nghiệp trở thành rất lãng mạn và rủi ro cho cả doanh nghiệp chứ không phải riêng nhóm R&D”, CEO Nutricare cho biết.

Một trong những rủi ro lớn nhất và Nutricare luôn phải đối mặt là có thể mất tới 10 năm nghiên cứu mà không ra được kết quả. Có những sản phẩm thành công được ở quy mô nghiên cứu, nhưng khi sản xuất lại bị biến đổi, gây ra các hoạt tính sinh học cao, mất đi tác dụng kỳ vọng hoặc cơ cấu giá thành không ổn…

Chính vì vậy, ông Minh cho biết, doanh nghiệp có thể duy trì sản phẩm không bán được nhiều, chỉ phục vụ một nhóm khách hàng nhỏ, đợi nhận thức của khách hàng nâng cao từ 2 -3 năm nhưng không sa đà quá nhiều vào những ý tưởng lãng mạn. Một sản phẩm không thành công, doanh nghiệp luôn biết rõ lý do đằng sau là gì.

“Nguyên tắc của tôi không dùng hết những nguồn lực tốt nhất cho một dự án mà có các nhóm dự án. Trong trường hợp thất bại, vẫn có những hoạt động chính và đưa doanh nghiệp đi lên. Suy nghĩ lãng mạn làm thất bại của cả một doanh nghiệp thì không nên”, vị CEO nhấn mạnh.