Trung Quốc ‘đắc thắng’ bất chấp Mỹ gây hấn thương mại

Hoài An - 10:11, 13/10/2018

TheLEADERChỉ số thương mại mới đây của Trung Quốc cho thấy quốc gia này vẫn hưởng lợi bất chấp chiến tranh thương mại.

Trung Quốc ‘đắc thắng’ bất chấp Mỹ gây hấn thương mại
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tiếp tục gia tăng. Ảnh: CNBC

Trung Quốc mới đây đã ghi nhận mức thặng dư kỷ lục 34,13 tỷ USD với Mỹ trong tháng 9 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. Mức thặng dư với nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí còn cao hơn tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng vừa qua.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, thặng dư thương mại của Bắc Kinh với Washington đạt 225,79 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 196 tỷ USD cùng kì năm ngoái, theo Reuters.

Xuất khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc thông qua đồng USD đã tăng tới 14,5% so với năm ngoái, vượt xa mức dự báo 8,9% của các nhà phân tích từ Reuters. Trong tháng 8, xuất khẩu từ Trung Quốc cũng gia tăng 9,8%.

Bất chấp căng thẳng thương mại chưa có hồi kết với Mỹ, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế này đang tiếp tục lớn lên.

Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng này diễn ra chủ yếu do sự hưởng lợi từ các đơn đặt hàng trước khi thuế quan bị gia tăng và những chỉ số sẽ cho thấy ảnh hưởng từ đối đầu thương mại trong những tháng tới.

Theo ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank và trưởng bộ phận chiến lược cho thị trường Trung Quốc, mặc dù cả hai quốc gia đều không cho thấy dấu hiệu đạt được giải pháp từ những cuộc thảo luận thương mại, tác động từ thuế của Mỹ lên tổng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ hạn chế, CNBC dẫn lời. 

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gia tăng thuế nhập khẩu đối với thêm 267 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc, chỉ khoảng 2% sản lượng công nghiệp của quốc gia châu Á này bị ảnh hưởng, theo một nghiên cứu được tiến hành bởi ông Zhang.

Do đó, Trung Quốc hiện "cố gắng giữ lại chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ phần còn lại của thế giới", chuỗi cung ứng hiện đang chiếm 25% tổng sản lượng công nghiệp của quốc gia này, CNBC dẫn lời.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh mới đây còn phát hành thành công trái phiếu quốc tế bằng đồng USD với quy mô 3 tỷ USD, lần phát hành thứ 3 trong vòng 14 năm trở lại đây.

Bất chấp sự biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới vài ngày trở lại đây và chiến tranh thương mại, Trung Quốc nhận được lực cầu mạnh mẽ từ giới đầu tư đối với đợt phát hành này, Reuters đưa tin.

Mức phát hành chỉ dừng ở 3 tỷ USD nhưng nhu cầu mua của các nhà đầu tư lên tới 13,2 tỷ USD với một nửa đặt mua trái phiếu kỳ hạn 5 năm.

Trung Quốc không ít lần bị người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích vì hành động giảm giá đồng nội tệ trong khi ngân hàng trung ương nước này báo hiệu rằng Bắc Kinh không có ý định sử dụng đồng Nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại.

Thông tin mới đây từ South China Morning Post cho biết trong tháng 9 vừa qua, đồng tiền này tiếp tục suy giảm so với đồng USD tháng thứ 6 liên tiếp, mức sụt giảm dài nhất kể từ năm 1992. 

Trong quý III, đồng nội tệ của Trung Quốc suy yếu 3,95% so với đồng USD, theo số liệu của Bloomberg. Kể từ khi căng thẳng bắt đầu diễn ra hồi tháng 3 đến nay, Nhân dân tệ đã sụt giảm 10%.

Trong nỗ lực bù đắp tổn hại thương mại từ gia tăng thuế quan, Trung Quốc mới đây được cho là đang cân nhắc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa bối cảnh Mỹ hình thành các liên minh kinh tế để cô lập quốc gia này, theo nguồn tin từ South China Morning Post.

Trong quá khứ, Bắc Kinh chưa hề cho thấy ý định công khai tham gia hiệp định này nhưng quan điểm đang cho thấy sự thay đổi. SCMP cho biết vài tháng qua, quan chức Trung Quốc đã xem xét khả năng và tham vấn về việc tham gia hiệp định.

Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng đang thúc đẩy Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến được ký kết vào cuối năm nay.