TS. Huỳnh Thế Du: Các khu kinh tế của Việt Nam đang theo 'mô hình quả mít'

Minh Anh - 13:15, 25/09/2017

TheLEADERQuyết tâm nửa vời cùng với sự chèo kéo của các địa phương tại khác khu kinh tế của Việt Nam đã dẫn đến tình trạng đầu tư theo “mô hình quả mít” - tất cả đều là gai nhưng không có mũi nhọn nào cả, TS. Huỳnh Thế Du nhận định.

TS. Huỳnh Thế Du: Các khu kinh tế của Việt Nam đang theo 'mô hình quả mít'
TS. Huỳnh Thế Du. Ảnh: VGP

Tất cả đều là gai mà không có mũi nhọn

Nêu trong tham luận một số vấn đề về mô hình khu kinh tế ở Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ hai, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nhận định, mô hình khu kinh tế ven biển của Việt Nam kể từ đầu thập niên 2000 chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhìn trên bình diện quốc gia. 

Dường như không có sự khác biệt nhiều về mặt chính sách bên trong và bên ngoài hàng rào khu kinh tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ, nên sức hấp dẫn của các khu kinh tế ở Việt Nam là không nhiều.

Theo ông Du, với mô hình tổ chức hiện tại, gần như việc quản lý và hành chính của tất cả các khu kinh tế ở Việt Nam đều đã bị hệ thống hiện tại “đồng hóa” với các vấn đề có khi còn phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp đầu tư bên ngoài khu kinh tế. Tình trạng này đang rất phổ biến và khả năng các khu kinh tế trở thành những khu quy hoạch treo khổng lồ là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

"Quyết tâm nửa vời và sự chèo kéo của các địa phương đã dẫn đến tình trạng đầu tư theo 'mô hình quả mít' tại các khu kinh tế, tức tất cả đều là gai nhưng không có mũi nhọn nào cả. Đây là vấn đề nan giải nhất hiện nay ở Việt Nam", ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, nhắc đến miền Trung, vị chuyên gia Đại học Fulbright cho rằng, những gì Quảng Nam hay Quảng Ngãi đang có được là rất cám dỗ. Mỗi tỉnh hay mỗi khu kinh tế chỉ cần có một dự án hay doanh nghiệp rất lớn là mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là về khía cạnh ngân sách.

Do vậy, nhiều địa phương sẽ tìm nhiều cách khác nhau để có được những công trình như vậy. Các địa phương ven biển có một số lợi thế thì tự thân vận động, các địa phương đã có dự án được chọn thì cố gắng triển khai. Đối với những địa phương ở những nơi bất lợi khác cũng muốn được Trung ương ưu ái để có được những dự án lớn.

"Giờ đây, các ưu đãi trực tiếp như đất đai hay thuế khóa gần như đã được sử dụng hết ở các địa phương, cửa gần như đã mở toang. Cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương hay được nhắc đến từ trước đến nay, thực ra giờ đã chạm đáy, vậy giờ đây bước tiếp theo sẽ như thế nào", ông Du đặt câu hỏi.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế miền Trung. Ảnh: VnEconomy

Đồng quan điểm, phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, điểm mấu chốt của miền Trung là tiềm năng lợi thế của các tỉnh giống nhau, triển khai theo hàng ngang. Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích rất lớn. 

Tỉnh nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng không căn cứ vào thế mạnh từng vùng sẽ dẫn đến xung đột rất lớn. Kỳ vọng kinh tế miền Trung rất lớn vì tiềm năng lợi thế nhiều nhưng kết quả đạt được “còn lâu mới được như chúng ta mong muốn”, ông Thiên nhận định.

"Nới" cơ chế để tạo động lực cho phát triển

Về mô hình khu kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, Trung Quốc là điển hình rõ nhất về mô hình đặc khu kinh tế tạo ra đột phá về thể chế, phát triển hạ tầng mềm. Tại Việt Nam cũng có mô hình thành công như Bình Dương - nơi có thể coi là mô hình đặc khu kinh tế thành công nhất của Việt Nam. Tuy nhên, nhân tố tích cực của Bình Dương không được tìm hiểu và phát huy.

Quy luật từ trước tới nay là doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng chung lưng với nhau để phát triển kinh tế, nhưng khi có "của ăn" thì hai bên lại gây khó cho nhau. Việt Nam cũng vậy.

Ban quản lý khu kinh tế vừa rồi đã xem xét là cơ chế hành chính một cửa thêm một chiếc khoá chứ không phải một cửa. Ban quản lý hiện đã đề xuất lấy ý kiến các sở, ngành nhưng rất khó khăn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên xem lại mô hình khu kinh tế của mình, để tạo ra sự phát triển, ông Du cho biết.

Bên cạnh đó, đối với các liên kết vùng và doanh nghiệp thử nghiệm mô hình kinh tế như Chu Lai, Dung Quất..., hiện các địa phương không hợp tác, động lực duy nhất nằm ở doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Du, thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách để phát trển khu kinh tế. Thứ hai, cần tạo ra cơ chế hợp tác, cạnh tranh do Trung ương làm trọng tài. Thứ ba, về mô hình khu kinh tế, cần xem lại để tâp trung vào tỉnh, hơn là tạo ra các khu kinh tế như hiện nay.