TS. Huỳnh Thế Du: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội phát triển

An Chi - 10:19, 06/12/2018

TheLEADERNền tảng đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất tốt, song kinh tế tư nhân đang gặp phải nhiều rào cản do các vấn đề nội tại của doanh nghiệp và thể chế.

TS. Huỳnh Thế Du: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội phát triển
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du

Tại các nền kinh tế phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 80 - 90% GDP, trong khi đó tại các nền kinh tế đang phát triển, con số này thường thấp hơn nhiều. Ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chính thức chỉ chiếm ít hơn 10% GDP, khu vực tư nhân phi chính thức chiếm 1/3 GDP, tổng số đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP là 42%.

Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nguồn lao động giá rẻ không thể tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo nhiều chuyên gia, hai động lực tăng trưởng mới được đặc biệt nhấn mạnh là đổi mới sáng tạo trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Rich Mc Clellan, Công ty McKinsey cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải tiếp tục phát triển khu vực tư nhân trong nước, làm sao để thúc đẩy sự chuyển dịch của khu vực phi chính thức thành chính thức, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright lại cho rằng, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều cơ hội phát triển. Vấn đề cản trở năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến từ phía cầu của doanh nghiệp và thể chế.

Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 (VRDF), ông Du nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam suốt một thời gian dài không chú trọng đổi mới sáng tạo để phát triển là quá mải mê với chuyện đầu tư bên ngoài. Các doanh nghiệp này không còn muốn đầu tư vào sản xuất mà đổ xô sang đầu tư ngắn hạn.

Thay vì tiếp tục tập trung các các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội, nhiều người đã “nhảy” vào chứng khoán và bất động sản, nói chính xác là đi đầu cơ tài sản.

Khi các doanh nghiệp không tập trung vào các hoạt động mà chạy theo đầu cơ. Lúc này mọi người chỉ tập trung vào việc mua mua - bán bán kiếm lời ngắn hạn, chứ không còn “chí thú làm ăn” như trước đây. 

Những cơ hội tốt để phát triển đã không được tận dụng. Mặt khác, khi chính sách vĩ mô trục trặc tạo lạm phát, các doanh nghiệp này ngay lập tức gặp khó khăn.

Một ví dụ khác về hoạt động của khối các doanh nghiệp tư nhân, ông Du cho rằng, Việt Nam đã thu hút FDI rất tốt trong vòng 30 năm qua, song các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển lớn mạnh.

"Tôi được biết rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn tạo dựng chuỗi giá trị, liên kết với các công ty của Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng đều không thể tìm được đối tác do các doanh nghiệp trong nước còn quá yếu kém về quy mô, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ", ông Du trăn trở.

Vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù đã có không ít thay đổi tích cực, song khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam so với thể giới còn rất xa. Trong khi đó, xét về nền tảng cơ bản năng lực đổi mới sáng tạo của trong nước cũng “không đến nỗi nào”.

Theo vị chuyên gia này, điều lí thú là các chỉ tiêu cơ bản về giáo dục, đổi mới công nghệ của Việt Nam rất tốt. Chẳng hạn như số năm đến trường bình quân, số năm đến trường kì vọng trong tương lai của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của thế giới; số du học sinh của Việt Nam rất đông.

Chỉ số vốn con người của Việt Nam hiện ở mức cao trong khu vực, xếp ngang với Trung Quốc, còn chỉ số đổi mới sáng tạo đứng ở mức khá cao (xếp thứ 45). Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số này, chỉ sau Ukraine.

Trước thực trạng này, ông Du khuyến nghị ba chính sách cơ bản để cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần tiếp tục cải cách toàn diện nền giáo dục, tập trung vào môi trường kinh doanh và văn hóa kinh doanh. “Làm sao để người thổi sáo hay nhất có được cây sáo tốt nhất, khi đó Việt Nam mới có thể bước lên nấc thang mới của đổi mới sáng tạo”, ông Du nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng yêu cầu cải cách đặt ra cho Chính phủ là cần phải xây dựng được hệ thống những giải pháp, hành động cụ thể. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Dũng cho rằng nếu không thực hiện cải cách và phát triển, sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Động lực tăng trưởng Việt Nam, theo ông Dũng, chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, cần gắn với phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định.

Nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Các doanh nghiệp ngành có sức trở mình lớn, không bị vướng nhiều ràng buộc về thể chế và quy mô. 

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp gã và biết đứng lên. Đây cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hợp vào quá trình lập chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển".