Tỷ giá gia tăng áp lực lên xu hướng nới lỏng tiền tệ

Trần Anh - 19:07, 25/08/2023

TheLEADERDù tỷ giá tăng mạnh thời gian qua, diễn biến tỷ giá hiện cũng chưa đến mức báo động, kịch bản căng thẳng như năm 2022 khó xảy ra do NHNN đang ở vị thế thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 25/8/2023 là 23.942 đồng. Tại một số ngân hàng thương mại, giá USD đã bật tăng mạnh vượt ngưỡng 24.100 đồng.

Áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8, khi tỷ giá USD/VND chạm mức 23.963 tại ngày 15/8, tăng 1,7% so với cuối tháng 6. Tính từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,4%.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Tăng trưởng của nền kinh tế đã giảm tốc tới mức NHNN buộc phải đảo ngược chính sách thắt chặt ngay trong nửa đầu năm 2023, đi trước hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Việc đi trước FED của NHNN đang khiến áp lực tỷ giá thời gian qua tăng mạnh. Các chuyên gia e ngại, FED có thể duy trì lãi suất ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 và điều này có thể tác động đáng kể tới định hướng của NHNN trong thời gian tới.

Dựa trên lãi suất chính sách thực tế, Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam không có nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất. Dù NHNN vẫn sẽ đưa ra thêm một đợt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa, song HSBC cho rằng có một số lo ngại về vấn đề tỷ giá sẽ khiến nhà điều hành trì hoãn hạ lãi suất.

Trong cuộc họp gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cũng chia sẻ đang cân nhắc câu chuyện hạ thêm lãi suất điều hành. Lý do đưa ra là thực tế lãi suất điều hành đã không còn tác động mạnh đến thị trường. Mặt khác, giảm lãi suất cũng áp lực lên tỷ giá.

"Giảm lãi suất là bức thiết, nhưng giảm lãi suất quá sẽ dẫn đến mất tỷ giá. Mất tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài; doanh nghiệp, người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng bị đảo lộn.”, Phó thống đốc phân tích.

Bộ phận nghiên cứu và phân tích của công ty khoán Yuanta Việt Nam nhận định, cuộc họp của FED trong tháng 9 tới đây có thể quyết định xu hướng lãi suất của NHNN. Sau cuộc họp, nhà điều hành sẽ chắc chắn hơn về định hướng của FED, từ đó có các quyết định hợp lý liên quan đến lãi suất.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng vẫn còn dư địa giảm lãi suất khi lạm phát 7 tháng đầu năm chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu của Chính phủ.

Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là dự trữ ngoại hối ở mức cao và có xu hướng tăng từ đầu năm. 6 tháng đầu năm, NHNN cũng đã mua hơn 6 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối vào cuối năm dự báo vẫn ở mức an toàn, tạo điều kiện cho NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành khi xuất khẩu phục hồi nhẹ, lượng FDI và kiều hối ổn định.

Diễn biến tỷ giá hiện cũng chưa đến mức báo động, kịch bản căng thẳng như năm 2022 khó xảy ra do NHNN đang ở vị thế thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Vấn đề tỷ giá sẽ chỉ thực sự căng thẳng nếu FED tăng lãi suất lần nữa vào cuộc họp tháng 9 tới và USD tiếp tục mạnh lên. Tuy nhiên thị trường đang nghiêng về khả năng FED giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong kỳ họp tới.

Công ty chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định, tỷ giá hiện vẫn đang lành mạnh và trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Với việc tỷ giá đã đứng yên gần 7 tháng, việc tỷ giá mới chỉ tăng trở lại trong thời gian gần đây chưa gây ra nhiều áp lực đối với việc kiểm soát tỷ giá.

“Cả cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lãi hiện tại của Việt Nam vẫn đang duy trì mức thặng dư, do vậy mà Chính phủ vẫn hoàn toàn có khả năng kiểm soát tỷ giá trong mục tiêu”, MBKE đánh giá.

Mặt khác, khi có những biến động trên thị trường ngoại hối, NHNN sẽ sử dụng ba chiến thuật.

Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại; hai là thắt chặt hơn một chút tính thanh khoản của tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng và cách thứ ba là bán USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng Việt Nam.

Theo quan sát của nhóm phân tích MBKE, vẫn chưa thấy NHNN sử dụng biện pháp số hai và số ba trong năm nay, trong khi biện pháp thứ nhất, thường được sử dụng đầu tiên khi thị trường ngoại hối bắt đầu có dấu hiệu bất thường.

MBKE dự báo tiền VND chỉ mất giá trong khoảng 2-3% so với USD trong 12 tháng tới và sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm chính sách hướng đến mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Do cả lạm phát và ngoại hối đề trong tầm kiểm soát, Việt Nam vẫn sẽ duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ, nhiều khả năng có thêm đợt giảm lãi suất nữa vào quý 3.