Ước vọng về một đất nước thu nhập cao

GS. Trần Văn Thọ - 08:03, 11/02/2021

TheLEADERCần thực hiện ngay những nỗ lực tối thiểu để giấc mơ về đất nước phát triển có thu nhập cao sẽ trở thành hiện thực vào năm 2045 hoặc sớm hơn.

Ước vọng về một đất nước thu nhập cao
Dây chuyền sản xuất ô tô.

Giữa tháng 12/2020, nhiều tờ báo tiếng Việt trong và ngoài nước bàn tán sôi nổi về kết quả dự báo tương lai kinh tế của các nước châu Á do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) tại Tokyo công bố. 

Người Việt đặc biệt quan tâm và phấn khởi là vì dự báo cho thấy Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2023. Nghĩa là chỉ còn độ 2-3 năm nữa thì Việt Nam đạt mốc phát triển mà cho đến nay nhiều người nghĩ phải còn lâu hơn nữa. 

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam mới trở thành nước thu nhập trung bình cao.

Theo tôi, mốc thu nhập trung bình cao không quan trọng lắm, vào giữa thập niên 2020 chắc chắn sẽ đạt được, có thể không sớm như JCER dự báo nhưng cũng không quá trễ như dự thảo Báo cáo chính trị. Vấn đề là sau đó Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, có thể trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu trong Báo cáo chính trị không.

Dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam

JCER, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có uy tín lớn tại Tokyo, ngày 10/12/2020 công bố kết quả dự báo kinh tế từ 2021 đến năm 2035 của 12 nền kinh tế khu vực châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong và Đài Loan) và 3 nền kinh tế có quan hệ mật thiết với khu vực này là Mỹ, Canada và Úc. JCER đưa ra nhiều kịch bản liên quan mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.

Kịch bản tiêu biểu, có khả năng xảy ra cao, là trong 4-5 năm tới trên căn bản sẽ hết đại dịch. Việt Nam thành công trong việc chống chọi với đại dịch, là một trong nền kinh tế châu Á phát triển dương trong năm 2020. Thành quả này thúc đẩy đầu tư, tích lũy tư bản. Một điểm mạnh khác của Việt Nam là kinh tế có độ mở lớn với thế giới, đang và sẽ hội nhập sâu vào thị trường thế giới, và đặc tính này làm tăng hiệu suất phát triển. 

Với những yếu tố thuận lợi đó, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển trung bình 6,1%, 6,5% và 6,2% trong các giai đoạn 2020-2025, 2025-2030 và 2030-2035. Tốc độ phát triển này cao nhất trong 15 nền kinh tế nói trên.

Ước vọng về một đất nước thu nhập cao
GS. Trần Văn Thọ

Với đà phát triển đó, vào năm 2025, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 530 tỷ USD và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Vào năm 2035 với GDP 1.165 tỷ USD Việt Nam sẽ vượt Thái Lan và Malaysia trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khối này, chỉ sau Indonesia (về GDP đầu người thì Việt Nam vượt Indonesia từ cuối thập niên 2020 nhưng dân số Indonesia lớn gần gấp 3 Việt Nam).

Từ khuynh hướng phát triển và tiềm năng hiện nay có lẽ kinh tế Việt Nam trong thập niên 2020 sẽ tăng trưởng như JCER dự báo hoặc có thể cao hơn. 

Nhưng sang thập niên 2030, tốc độ tăng trưởng tùy thuộc vào những cải cách, những chiến lược nhằm tăng tiềm năng phát triển cho giai đoạn mới như sẽ nói dưới đây. Nếu tình trạng vẫn như bây giờ thì Việt Nam khó đạt tốc độ phát triển như dự báo của JCER về nửa đầu thập niên 2030.

GDP đầu người của Việt Nam vào năm 2019 là 3.416 USD. Theo dự báo nói trên, con số này sẽ tăng lên 5.245 USD năm 2025, 7.649 USD năm 2030 và gần 11.000 USD năm 2035. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của nước thu nhập thấp (vào thời điểm năm 2019) là dưới 1.035 USD, từ 1.036 đến 4.045 USD là nước thu nhập trung bình thấp, từ 4.046 đến 12.535 USD là nước thu nhập trung bình cao và trên 12.536 USD là nước thu nhập cao.

GDP và GNI là hai chỉ tiêu cùng đo độ lớn của một nền kinh tế, tuy khác nhau nhưng độ chênh lệch không lớn lắm, nhất là trong trường hợp bàn về mức độ phát triển của một nền kinh tế thì dùng chỉ tiêu nào cũng được. Dùng chỉ tiêu nào đi nữa nếu có sai biệt về thời điểm đạt một trình độ phát triển nào đó thì cũng chỉ khác biệt vài năm.

Ước vọng về một đất nước thu nhập cao 1

Ứng theo tiêu chuẩn của WB thì dự báo nói trên cho thấy năm 2023 Việt Nam sẽ đạt mức phát triển trung bình cao. 

Tôi không ngạc nhiên lắm vì đã dự đoán vào giữa thập niên 2020 Việt Nam sẽ đạt trình độ đó. Việt Nam đã vượt khỏi nước thu nhập thấp và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2008. 

Nếu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2023 thì thời gian giữa hai giai đoạn đó là 15 năm, không phải là quá ngắn, tương đương với các nước đi trước ở Á châu. 

Từ trung bình thấp đến trung bình cao, Trung Quốc mất 15 năm, Hàn Quốc mất 18 năm, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng mất 18 năm. Vấn đề là sau giai đoạn thu nhập trung bình cao, Việt Nam có thể tiến thẳng lên nước thu nhập cao hay không, hoặc có thể vượt qua ngưỡng từ trung bình cao sang thu nhập cao nhưng sau đó có tiếp tục phát triển lên cao hơn nữa hay dậm chân tại chỗ. 

Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) chỉ cần 10 năm để chuyển từ thu nhập trung bình cao lên thu nhập cao vào giữa thập niên 1990, sau đó thu nhập đầu người tiếp tục tăng (năm 2019 Hàn Quốc đạt 32.000 USD và Đài Loan 26.000 USD).

Ước vọng về một đất nước thu nhập cao 2

Hướng đến năm 2045

Khi còn ở mức thu nhập trung bình, nguồn lực chính đóng góp vào tăng trưởng là các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, cải thiện thị trường các yếu tố sản xuất để các nguồn lực đó được phân bổ có hiệu quả là có thể tăng năng suất và đạt mức thu nhập trung bình cao tương đối dễ dàng. 

Nhưng từ mức thu nhập trung bình cao muốn vươn lên thành nước tiên tiến thì khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phải đóng vai trò then chốt. Việc đầu tư xây dựng hai tiền đề đó đòi hỏi nhiều thời gian. 

Việt Nam muốn phát triển thành nước có thu nhập cao vào khoảng năm 2040 hoặc 2045 thì những tiền đề, những nỗ lực đó phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Về khoa học và công nghệ, Việt Nam đã có chủ trương phải “đổi mới, sáng tạo” nhưng hiện nay mới chỉ có tính cách hô hào. Để thực hiện phương châm “đổi mới, sáng tạo”, việc làm ngay đầu tiên là đưa ra chiến lược và chương trình hành động cụ thể, có mục tiêu trung và dài hạn. Có thể nêu ra một số nội dung bao gồm trong chiến lược và chương trình hành động.

Thứ nhất, tăng ngân sách và khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện nay (theo tư liệu năm 2017) cả Chính phủ và doanh nghiệp chi tiêu cho R&D chỉ bằng 0,5% GDP. Mức này rất thấp, chỉ bằng Hàn Quốc đầu thập niên 1970 và Trung Quốc gần 40 năm trước. 

Hàn Quốc đạt trình độ thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 1987, lúc đó tỷ lệ này đã lên tới gần 2%. Năm tương ứng và tỷ lệ ấy của Trung Quốc là 2012 và cũng gần 2%. 

Trong 5 năm tới, Việt Nam phải cố gắng tăng tỷ lệ chi tiêu R&D lên 1% GDP hoặc cao hơn. Về chi tiêu cho R&D của Chính phủ cũng cần xem xét việc cải cách, tránh “xin cho” để ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả.

Ước vọng về một đất nước thu nhập cao 3
Công nghệ cao có vai trò quan trọng trong sản xuất.

Thứ hai, sớm ban hành các luật khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho R&D, khuyến khích công ty có vốn nước ngoài mở các cơ sở R&D tại Việt Nam.

Thứ ba, hiện nay ở nước ngoài có rất nhiều nhà khoa học người Việt Nam làm việc ở các đại học, các viện nghiên cứu, kể cả một số rất đông người đang nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc), nên làm ngay việc liên kết họ với các cơ sở nghiên cứu trong nước. 

Như Hàn Quốc và Trung Quốc đã rất chú trọng huy động chất xám của nhân tài kiều bào ở nước ngoài và đã thành công.

Thứ tư, cần cải thiện thủ tục hành chính hoặc nghiên cứu các biện pháp để những ý tưởng đổi mới, sáng tạo có giá trị của cá nhân, của doanh nghiệp được chuyển thành sản phẩm, tránh tình trạng những ý tưởng đó được đem ra nước ngoài thực hiện chỉ vì thủ tục, cơ chế trong nước quá phức tạp.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao, có hai vấn đề cơ bản nhất phải cải cách trong 3-4 năm tới.

Một là, cải thiện, cải cách toàn diện tình hình, cơ chế giáo dục đào tạo hiện nay, để tăng chất lượng đào tạo ở mỗi bậc học và trang bị kỹ năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ. Giáo dục cấp I và cấp II phải thực sự miễn phí hoàn toàn. Điều kiện vệ sinh, trường ốc, lớp học phải được ưu tiên cải thiện ngay.

Chấn chỉnh lại đại học, nhất là đại học tư, không cho phát triển tràn lan, các bậc trung cấp và cao đẳng cần được cải tổ thành đại học đoản kỳ (một năm học văn hóa, một năm học chuyên môn) để hấp dẫn người đi học và cung cấp ngay lao động đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn mới. 

Nội dung, phương thức giảng dạy cũng phải thay đổi để học sinh, sinh viên khi ra trường có đủ khả năng về kỹ thuật số, về ngoại ngữ và khả năng tự học để thích ứng với thay đổi của công nghệ và thị trường.

Hai là, thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt quan chức và cải cách tiền lương. Trừ những chức vụ trong các viện nghiên cứu, không xem bằng tiến sĩ hay thạc sĩ là điều kiện để tuyển dụng hay đề bạt. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc tuyển chọn quan chức để bảo đảm năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về sứ mệnh của người làm việc nước.

Một vấn đề liên quan là triệt để cải cách tiền lương. Trong khoảng 5 năm tới, phải chấm dứt tình trạng quan chức không sống bằng tiền lương, chấm dứt nạn chạy chức, chấm dứt tình trạng người tìm việc phải tốn một số tiền quá lớn. 

Những tình trạng này chẳng những làm cho kinh tế không phát triển có hiệu suất mà còn là những biểu hiện kém văn hóa, hoàn toàn xa lạ ở một nước phát triển thu nhập cao.

Cần thực hiện ngay những nỗ lực tối thiểu này để giấc mơ về đất nước phát triển có thu nhập cao sẽ trở thành hiện thực vào năm 2045 hoặc sớm hơn.