Vị thế quốc gia cho phép Việt Nam chọn lọc vốn FDI chất lượng cao

Phạm Sơn - 15:28, 27/04/2021

TheLEADERTrước sự biến động đầy phức tạp trên toàn thế giới, thế và lực của Việt Nam cũng đang chứng kiến sự chuyển biến rõ rệt. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới đối với công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm sao để hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Vị thế quốc gia cho phép Việt Nam chọn lọc vốn FDI chất lượng cao
Không gian phát triển của nhiều tỉnh, thành phố đang trở nên chật chội, đòi hỏi thu hút vốn FDI cần có chọn lọc. Ảnh: Báo đấu thầu.

Nguồn vốn FDI là một trong những ngoại lực vô cùng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ngoại lực ấy không phải lúc nào cũng thuận với nội lực, đôi khi còn tạo ra những tác động trái chiều, gây ảnh hưởng tới lợi ích đất nước.

Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng thay đổi, những tác động trái chiều ấy có thể trở nên rất nghiêm trọng, đòi hỏi Việt Nam cần tìm ra hướng tiếp cận mới cho dòng vốn đầu tư này.

Cụ thể, chuyên gia kinh tế chỉ ra 4 yếu tố đặc biệt lớn tác động tới xu hướng FDI cũng như nhận thức và quan điểm của Việt Nam về thu hút và sử dụng vốn FDI.

Đầu tiên, cách mạng công nghiệp 4.0 với những bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ, làm thay đổi toàn diện phương thức, mục tiêu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này khiến các dự án FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ, Việt Nam cần tích cực chọn lọc, thu hút những nhà đầu tư với hàm lượng công nghệ cao, có tác động lan tỏa.

Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với quốc tế, minh chứng là những cương vị quan trọng như thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, chủ tịch ASEAN, ký kết những hiệp định thương mại thế hệ mới với các đối tác quan trọng.

Quan hệ quốc tế cũng đang chứng kiến nhiều sự thay đổi với các xung đột thương mại, cạnh tranh bá quyền, khiến dòng vốn FDI đang dịch chuyển một cách bất thường. Những biến động về quan hệ quốc tế, quan hệ của Việt Nam với quốc tế sẽ còn tiếp tục diễn biến, tác động sâu sắc tới tư duy về FDI của Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Thứ ba, đại dịch Covid-19 gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, bắt buộc định hình lại dòng vốn đầu tư. Đứt gãy chuỗi cung ứng trở thành mối nguy cho các nền kinh tế nhưng sự ứng dụng khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ nhờ Covid-19 cũng đang là giải pháp để nối lại những đứt gãy này.

Vị thế quốc gia cho phép Việt Nam chọn lọc vốn FDI chất lượng cao
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: VnEconomy.

Covid-19 cũng làm nổi bật lên hình ảnh Việt Nam với thành tựu khống chế đại dịch, duy trì ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế. Theo thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, Việt Nam đang nỗ lực để vươn lên đẳng cấp cao hơn về kinh tế, do đó không thể quên đi sự nhận diện về vị thế để có nhìn nhận đúng đắn hơn về dòng vốn FDI.

Cuối cùng là yếu tố trong nước, cụ thể là hành động của các địa phương. Chính phủ nhiệm kỳ mới đã nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của các địa phương về phát triển kinh tế, trong đó có trách nhiệm về thu hút vốn FDI. Quyết sách, hành động cụ thể của từng địa phương sẽ là yếu tố định hình lại cách tiếp cận về FDI của đất nước.

Sức hút từ vị thế

Theo ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), Việt Nam đang nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế với hình ảnh là một quốc gia đang chiến thắng đại dịch nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự đồng lòng của toàn dân tộc.

Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư toàn cầu khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Đại diện KoCham khẳng định, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các doanh nghiệp quốc tế khác đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, chương trình hỗ trợ về chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận có tới 2/3 doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là địa điểm để đầu tư.

Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá Việt Nam là thị trường “có nhiều động cơ để tăng trưởng”, đặc biệt là sự cân bằng giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước với xuất khẩu. Trong bối cảnh Covid-19, hiện tượng thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản hầu như không xuất hiện ở Việt Nam.

Bên cạnh các yếu tố về thành công trong công tác chống dịch Covid-19 và sự ổn định vĩ mô, các doanh nghiệp châu Âu cũng bày tỏ thái độ lạc quan về thị trường Việt Nam nhờ hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU. Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiếp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, trong thời gian tới các doanh nghiệp châu Âu sẽ ưu tiên nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn châu Âu cho các doanh nghiệp, các địa phương.

Khát vọng về phát triển bền vững cũng được các doanh nghiệp Mỹ ghi nhận tích cực. Ông John Rockhold, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, trong trao đổi gần đây, Chính phủ Việt Nam có nhắc tới tiến trình phi các bon hóa. Đây là lĩnh vực rất cần sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẵn lòng giúp đỡ đối tác Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.

Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hợp lý cho dòng vốn chất lượng cao, đặc biệt nếu các địa phương có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thủ tục, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để Việt Nam chọn lọc dự án đầu tư, tìm kiếm những nhà đầu tư có trách nhiệm và có cam kết gắn bó lâu dài. Thực tế, ngay từ đầu năm, nhiều dự án công nghệ cao đã tìm đến Việt Nam để "xây tổ", hứa hẹn tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay không gian phát triển tại nhiều tỉnh thành phố đang trở nên chật trội, do đó không thể ồ ạt tiếp nhận đầu tư như trước. Bên cạnh việc chọn lọc nguồn vốn, phía Chính phủ cũng đưa ra chỉ đạo sẽ rà soát mạnh các dự án FDI đang hoạt động, đặc biệt là các dự án có dấu hiệu không tuân thủ quy định pháp luật, không có cam kết gắn bó lâu dài và không có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động.