Việt Nam nghiên cứu thành công chip 5G

Việt Hưng - 08:34, 29/10/2023

TheLEADERThị trường thế giới hiện chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại nên việc làm chủ các công đoạn thiết kế chip tại Viettel hay FPT gần đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 đang diễn ra, Tập đoàn Viettel đã công bố việc phát triển thành công chip 5G. Đây là dòng chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn về thiết kế.

Theo đại diện Viettel, chip 5G là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G. Dòng chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. 

Chip 5G DFE có mức độ phức tạp cao, với năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.

Thị trường thế giới hiện chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại nên việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

Từ nhiều năm trước, Viettel đã có chiến lược dần thay thế các thiết bị ngoại nhập và tiến tới sử dụng toàn bộ hệ thống mạng lõi viễn thông bằng các thiết bị tự sản xuất.

Trước khi phát triển thành công Chip 5G, Viettel cũng đã bắt tay với Qualcomm để nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Việt Nam nghiên cứu thành công chip 5G
Việt Nam nghiên cứu thành công chip 5G

Đây được xem là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới.

Ngoài ra, Viettel cũng công bố hai sản phẩm tiêu biểu trong hệ sinh thái AI của doanh nghiệp gồm: trợ lý ảo pháp luật đang được sử dụng trong ngành tòa án và giải pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động - Viettel AI video KYC.

Cụ thể, trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy, được thiết kế riêng cho người Việt. Với khả năng xử lý lên đến 2.000 yêu cầu cùng lúc, trợ lý ảo Viettel có thể tăng năng suất lên đến 10.000 lần, giúp cắt giảm tối đa nhân sự và thời gian triển khai, giải đáp ngay lập tức 24/7 cho người dân và khách hàng.

Viettel AI video KYC, nằm trong dự án AI Human, giúp xác minh khách hàng, giao tiếp bằng giọng nói và xử lý hình ảnh tự động. Giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 60 tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ duyệt đơn hàng trên bot khoảng 90%, có thể xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi video call mỗi tháng, hoạt động 24/7.

Trước Viettel, một doanh nghiệp khác là FPT cũng tiến vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Dòng chip bán dẫn đầu tiên của FPT ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật cho lĩnh vực y tế.

Sản phẩm được các kỹ sư FPT Software trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Mục tiêu của FPT là triển khai, cung cấp chip "Make in Vietnam" đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.

Sau giai đoạn này, FPT dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Một số chuyên gia tin rằng, doanh nghiệp có thể đưa hoạt động sản xuất chip về Việt Nam trong vòng 5 năm, khi khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam ngày một gia tăng.