Xây cảng Cần Giờ cần lấy 90ha đất rừng phòng hộ ven biển

Hứa Phương - 13:58, 13/09/2023

TheLEADERĐể xây dựng cảng Cần Giờ cần lấy khoảng 90ha đất rừng phòng hộ ven biển, trong đó có gần 83ha rừng ngập mặn tự nhiên.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) tại huyện Cần Giờ dự kiến dài hơn 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 250.000DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC đề xuất.

Tổng vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, dự án được nghiên cứu xây dựng ở cù lao Phú Lợi thuộc xã đảo Thạnh An, khu vực cửa sông Cái Mép. Dự án được chia làm 7 giai đoạn, giai đoạn 1 hoàn thành năm 2027 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2045.

Xây cảng Cần Giờ cần lấy 90ha đất rừng phòng hộ
Phối cảnh siêu dự án cảng Cần Giờ. Ảnh Portcoast

Theo nội dung công văn UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, cảng Cần Giờ có tổng nhu cầu sử dụng đất là 571ha. Trong đó, đất rừng phòng hộ ven biển khoảng 90ha bao gồm 83ha rừng ngập mặn tự nhiên và 7ha không có cây rừng, còn lại là diện tích mặt nước hơn 481ha.

Toàn bộ khu vực đất rừng đã được Sở Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận cho Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích còn lại do nhà nước quản lý nhưng xen kẽ một số khu vực có người dân nuôi trồng thủy hải sản.

Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, UBND TP.HCM cho biết, dự án thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu vực được triển khai hoạt động phát triển kinh tế; được thực hiện công trình có kết cấu, vật liệu hài hòa cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng, kỹ thuật biển (Porcoast) - nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, yếu tố nhạy cảm duy nhất của dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, yếu tố này có thể giải quyết bằng đề án kỹ thuật kiểm kê và định giá để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, dự án sẽ được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ.

UBND TP.HCM cho rằng, dự án sẽ thu hút vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết khoảng 6.000 đến 8.000 việc làm trực tiếp tại cảng và hàng chục nghìn lao động sẽ phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và thu phí thuế quan.

Ngân sách nhà nước sẽ được đóng góp trực tiếp thông qua các khoản thuế từ hoạt động như: bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu ra vào cảng. Tính riêng phí thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, ngân sách sẽ có thêm 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm.

Để tăng kết nối cho cảng Cần Giờ, dự kiến đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng cầu Cần Giờ nối địa phương này sang huyện Nhà Bè. Đồng thời nâng cấp các cầu trên đường Rừng Sác và làm nút giao liên kết tuyến này với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh. Sau năm 2030, một đoạn đường nối sẽ được xây từ vị trí cảng trung chuyển qua tuyến Rừng Sác tại xã Long Hòa.

Cùng với đường bộ, đề án xây dựng cảng Cần Giờ cũng đề cập sau năm 2030 sẽ phát triển và hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác, nối khu đô thị biển Cần Giờ với Metro số 4 tại huyện Nhà Bè.