Xuất khẩu gạo Việt Nam thắng lớn

Minh Anh - 18:02, 07/01/2021

TheLEADERXuất khẩu gạo năm 2020 của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%.

Xuất khẩu gạo Việt Nam thắng lớn
Xuất khẩu gạo tăng mạnh nhờ các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2020, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19. 

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch và bảo đảm an ninh lương thực, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng, giúp người dân tiêu thụ thóc, gạo với số lượng và giá cả tốt nhất.

Cho tới nay, cả hai mục tiêu lớn do Chính phủ đặt ra đối với sản xuất - xuất khẩu gạo đều đã đạt được. An ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát và nước ngoài tăng mạnh mua gạo từ Việt Nam. 

Theo ước tính, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. 

Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. "Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa", Bộ Công thương đánh giá.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. 

Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến gạo Việt Nam có bước phát triển tăng cao như hiện nay trước hết là do đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ. Trong đó, việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng.

Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP và với Anh Quốc. Những hiệp định này đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá.

Thứ ba, năm 2020, tình hình dịch Covid-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng. Đây chính là nguyên nhân khiến các khách hàng lớn trên thế giới vẫn có nhu cầu cao đối với việc nhập khẩu gạo Việt Nam.

Trước đó, từ ngày 24/3/2020, Việt Nam đã tạm dừng xuất khẩu gạo vì lo ngại an ninh lương thực bị ảnh hưởng dưới tác động của dịch Covid-19. 

Ngay sau đó, giữa các bộ ngành và giới chuyên gia, doanh nghiệp trên thị trường đã có sự tranh luận gay gắt liên quan đến sự cần thiết của tạm dừng xuất khẩu gạo. Sau khi cân nhắc các yếu tố, từ 1/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo trở lại bình thường.