Bác bỏ nguy cơ khủng hoảng thừa bất động sản nghỉ dưỡng

Thu Phương - 09:09, 16/11/2017

TheLEADERTheo ông Lương Hoài Nam, Phó tổng Giám đốc Vietstar Airlines, không có chuyện dư thừa bất động sản nghỉ dưỡng mà chúng ta còn cần nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển du lịch.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam lần thứ nhất, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng Giám đốc Vietstar Airlines cho rằng, bất động sản và du lịch luôn có sự phát triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá nhiều chính sách chung của Nhà nước. 

Hiện nay, tại Việt Nam đang xuất hiện một nhận thức mới về du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng trong tình hình mới. Đó là việc Chính phủ coi phát triển du lịch là ngành kinh tế chiến lược. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh "thà tăng 1 triệu du khách còn hơn hút thêm 1 triệu tấn dầu".

Theo ông Nam, thực tế đang cho thấy, mục tiêu đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước một nước công nghiệp theo hướng hiện đại rất thách thức, nên ông cho rằng "ngành kinh tế chiến lược của đất nước là du lịch và phải là du lịch".

Ông Nam viện dẫn hai lý do để tin tưởng vào chiến lược phát triển này. Thứ nhất, Việt Nam có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng về du lịch, từ thiên nhiên ưu đãi đến văn hoá, lịch sử. Thứ hai, du lịch "vừa sức" người Việt Nam, đủ sức đầu tư, vận hành và đủ sức kinh doanh. 

Ông Nam dẫn chứng, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng ở vị trí khá cao trong số 136 thị trường du lịch của thế giới. Việt Nam đứng thứ 54 về tài nguyên thiên nhiên, đứng thứ 30 về tính cạnh tranh về văn hoá, thứ 37 về khả năng đáp ứng của con người để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, vẫn có những điều trăn trở khi năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu khách du lịch quốc tế  nhưng cũng chỉ bằng 1/3 Thái Lan, chưa bằng Singapore, Hong Kong và cũng chỉ gấp đôi Campuchia.

Do đó, ông Nam cho rằng, để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách phát triển du lịch của Nhà nước còn đòi hỏi sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí… của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng bùng nổ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoạt, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng tỷ lệ thuận với tăng trưởng du lịch. Du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng và ngược lại. 

Nếu một trong hai yếu tố này bị tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo sự tác động tiêu cực đến yếu tố còn lại, ông Hoạt nhận định.

"Không có khả năng dư cung trong trung hạn"?

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các thị trường lớn như Nha Trang và Đà Nẵng. 

Theo nhiều chuyên gia nhận định, hiện tại, nguồn cung ở những thị trường này cơ bản đang đáp ứng đủ cầu. Nếu tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh như hiện tại sẽ rất có thể xuất hiện nguy cơ dư cung khách sạn, thậm chí khủng hoảng thừa bất động sản nghỉ dưỡng.

Lấy dẫn chứng tại Đà Nẵng, dự kiến, đến cuối năm 2017, thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Trong vòng 10 năm, nguồn cung khách sạn 3 - 5 sao tại Đà Nẵng tăng 31%, tốc độ tăng trưởng khách du lịch 22%.

Nếu so với sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở Phuket (Thái Lan) tăng 11%/năm thì tốc độ nguồn cung bất động sản của Đà Nẵng tăng 31%/năm có thể nói là khá cao.

Trước vấn đề có hay không có sự dư cung bất động sản nghỉ dưỡng, đại diện Vietstar Airlines nhận định, số cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng lên tới 420 nghìn buồng vào năm 2016. Theo kế hoạch thì đến năm 2020 phải lên tới 580 nghìn buồng, như vậy mục tiêu đặt ra là tăng 1,5 – 2 lần. Do đó, có thể nói, nếu không tăng tốc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thì sẽ không đạt được mục tiêu của kế hoạch.

"Chính vì vậy, tôi cho rằng, không có chuyện thừa bất động sản nghỉ dưỡng hay loạn thị trường mà chúng ta còn cần nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển du lịch", ông Nam nói. 

Vấn đề ở đây là phải cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn đầu tư, đảm bảo được chất lượng dự án và tránh nợ xấu bất động sản, ông Nam khẳng định.

Về vấn đề này, ông Hoạt cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa trong vài năm trở lại đây đã phát triển rất mạnh, bước đầu đưa ra thị trường, được thị trường đánh giá cao, thanh khoản tốt, góp phần làm khởi sắc thị trường.

Về nguồn cung, mặc dù số lượng sản phẩm tương đối lớn, nhưng hiện nay các vị trí trung tâm, vị trí có bãi biển đẹp (đây là điều kiện quan trọng của bất động sản nghỉ dưỡng) không còn nhiều để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, theo Ngân hàng thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2017 sẽ đạt 6,5% GDP và trong ngắn hạn, trung hạn, kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, sẽ kéo theo sự tăng trưởng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

"Chính vì vậy, tôi cho rằng, du lịch tăng trưởng như vậy không có lý gì bất động sản nghỉ dưỡng không đi theo. Ngành du lịch đang rất cần nhiều căn hộ nghỉ dưỡng. Do đó, trong trung hạn không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản", ông Hoạt nhận định.