Bật mí lý do nhà đầu tư Mỹ không bán dự án 1,2 tỷ USD tại Việt Nam

Quỳnh Như - 06:00, 01/02/2018

TheLEADERTừng công bố rao bán toàn bộ tài sản của dự án sản xuất pin mặt trời tại TP. HCM nhưng First Solar đột ngột 'nối lại tình xưa' và ồ ạt tuyển dụng nhân công để mở rộng sản xuất.

Bật mí lý do nhà đầu tư Mỹ không bán dự án 1,2 tỷ USD tại Việt Nam
First Solar tiếp nhận thiết bị sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho nhà máy tại TP. HCM

Không giống với tình cảnh ảm đạm nhiều năm về trước, một luồng sinh khí mới đang thổi vào dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời có tổng vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng tại TP. HCM. 

Tiếp theo kế hoạch tuyển dụng gần 1.000 kỹ sư, quản lý và nhân công được công bố mới đây, nhà đầu tư First Solar đến từ Mỹ hôm 30/1/2018 đã tiếp nhận đợt thiết bị đầu tiên của quy trình sản xuất tấm module năng lượng mặt trời Series 6 công nghệ cao.

Những động thái mới hoàn toàn trái ngược với tuyên bố đình chỉ kế hoạch đầu tư và rút lui khỏi Việt Nam của doanh nghiệp này được đưa ra cách đây 6 năm. 

Đầu năm 2011, First Solar được cấp phép đầu tư dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại khu công nghiệp Đông Nam của TP. HCM. Ngay sau khi nhận giấy phép, First Solar đã khởi công dự án, nhưng chỉ vài tháng sau đã tuyên bố dừng đầu tư vì lý do mất cân bằng về cung cầu tấm pin năng lượng mặt trời trên thế giới.

First Solar đã ủy quyền cho Cushman & Wakefield rao bán cơ sở vật chất tại Việt Nam, trong đó có tổng cộng 113.000m2 nhà xưởng và văn phòng. 

Mặc dù giá trị tài sản của First Solar là rất lớn, nhưng vẫn có một vài nhà đầu tư đến hỏi mua, thậm chí một nhà đầu tư sản xuất pin mặt trời đến từ Trung Quốc đã đồng ý với giá mà công ty đưa ra, nhưng vì công nghệ khác biệt nên cuối cùng thương vụ đã thất bại.

Bẵng đi một thời gian, giữa năm ngoái First Solar tuyên bố quay trở lại Việt Nam, cũng đột ngột như lúc họ ra đi. Sau khi có quyết định, First Solar nhanh chóng truyền thông với rất nhiều phương thức khác nhau để thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài của mình với Việt Nam, sẽ không có chuyện bỏ dở giữa chừng như cách đây 6 năm.

Đầu tiên là tuyên bố tăng cường đầu tư thêm 360 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ hai, nâng tổng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam lên con số 830 triệu USD. Tiếp theo là tuyển nhân công ồ ạt, dự kiến số lao động để hai nhà máy sản xuất hết công suất sẽ vào khoảng gần 1.000 người.

Mới đây nhất là nhập một lượng thiết bị đầu tiên của quy trình sản xuất tấm module năng lượng mặt trời Series 6 công nghệ cao. 10 kiện hàng lớn chứa 175 loại linh kiện cấu thành nên bộ phận chính của máy mạ phủ Vapor Transport Deposition là thiết bị được dùng để phủ chất bán dẫn lên mặt kính.

Ông Mike Koralewski, Phó Chủ tịch cấp cao, Khối sản xuất toàn cầu của First Solar, chia sẻ rằng có rất nhiều nguyên do khiến công ty quyết định 'nối lại tình xưa' với Việt Nam.

Thứ nhất là nhu cầu năng lượng mặt trời ngày càng mở rộng và thị trường pin mặt trời sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai. Tiếp đến là môi trường kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi; kỹ năng người lao động địa phương đáp ứng được nhu cầu sản xuất của công ty; môi trường chính trị ổn định, xã hội an ninh trật tự. 

Cuối cùng là chuỗi giá trị cung ứng phù hợp, thuận lợi cho sự phát triển dài lâu của First Solar và nhu cầu công nghệ cao trong khu vực cũng ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên, qua những phần phát biểu khác từ các đại diện First Solar, có lẽ, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là việc họ nghiên cứu thành công công nghệ module Serie 6 vào năm 2016.

Module Series 6 đang là công nghệ sản xuất pin mặt trời màng mỏng tiên tiến nhất thế giới. Nôm na, công nghệ màng mỏng là thông qua các cảm biến, biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Đối lập với công nghệ màng mỏng là công nghệ truyền thống silicon tinh thể mà hầu hết các công ty Trung Quốc đang sử dụng.

Theo First Solar, module Series 6 mang lại cho công nghệ màng mỏng những lợi thế vượt trội mà thời module Series 4 không có như thời gian sản xuất ngắn hơn, chỉ từ 3 đến 4 tiếng có thể sản xuất ra một tấm pin, trong khi theo công nghệ truyền thống cần 3 đến 4 ngày. Công nghệ mới cũng 'xanh' hơn vì tốn ít thời gian sản xuất nên tiết kiệm được nhiều nhiên liệu, nước, điện năng.

Series 6 cũng có chỉ số hiệu năng ấn tượng với hiệu suất chuyển đổi 18%, nếu trong điều kiện lý tưởng có thể tăng lên 20%. Và với những nỗ lực nghiên cứu của mình, First Solar tin rằng, trong tương lai, hiệu suất nói trên có thể tăng hơn nữa. Trong khi đó, công nghệ cũ tinh thể silicon không được như thế.

Về giá cả, First Solar không ngán đối thủ Trung Quốc. Với module Series 6, công nghệ màng mỏng có tính kinh tế theo quy mô gấp ba lần truyền thống. Tất cả là nhờ giảm chi phí sản xuất, so với module Series 4, chi phí sản xuất module Series 6 rẻ hơn 40%. Theo đó, không cớ gì mà First Solar phải sợ các đối thủ đến từ Trung Quốc, phải ngược lại mới đúng.

Sau khi có trong tay công nghệ module Series 6, nhiều đơn đặt hàng đã ùn ùn kéo đến với First Solar, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp Mỹ này nghĩ đến chuyện quay lại Việt Nam, nơi họ đã có sẵn cơ sở vật chất tương đối.

Module Series 6 vừa mới được First Solar sản xuất lần đầu tiên tại Mỹ vào tháng 11/2017, sắp tới là ở Malaysia và cuối cùng tới Việt Nam. Các nhà máy ở mỗi đất nước sẽ gối đầu ba tháng.

Ban đầu, nhà máy ở khu công nghiệp Đông Nam là dành để sản xuất pin mặt trời màng mỏng module Series 4. Theo tiết lộ của ông Vũ Minh Hùng, Giám đốc môi trường, An toàn và An ninh, thì theo kế hoạch đầu tiên sẽ tuyển 3.500 nhân viên để vận hành nhưng với công nghệ Series 6, First Solar chỉ cần gần 1.000 người là đủ.

Khi cả hai nhà máy đều đi vào sản xuất, tổng công suất First Solar sẽ đạt đến 2,4GW mỗi năm. Sản lượng trong hai năm tới của hai nhà máy cũng đã được các khách hàng trên thế giới đặt mua hết.

Nếu theo đúng kế hoạch, dây chuyền sản xuất module Series 6 sẽ hoàn tất vào quý III năm nay và những tháng cuối năm sẽ bắt đầu thẩm định đánh giá lại toàn bộ nhà máy, dây chuyền và nhân sự. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, First Solar sẽ ngay lập tức bắt tay vào sản xuất.