CEO HSBC Phạm Hồng Hải: Việt Nam cần tập trung giải bài toán trái phiếu

Hương Anh - 06:17, 13/12/2017

TheLEADERBên cạnh thị trường chứng khoán, Việt Nam cần tập trung giải bài toán trái phiếu để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn hiện nay như FDI, ngân hàng.

CEO HSBC Phạm Hồng Hải: Việt Nam cần tập trung giải bài toán trái phiếu
Ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Việt Nam

Thị trường vốn Việt Nam gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu hiện có giá trị về vốn hóa khoảng trên 70 nghìn tỷ USD và giao dịch hàng ngày đạt trên dưới 400 triệu USD. 

Tổng số nhà phát hành cổ phiếu là trên 700 doanh nghiệp, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và các công ty tư nhân. Theo đó, đây hiện đang là một kênh đầu tư quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. 

Trao đổi với TheLEADER, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã đưa ra những nhận định về triển vọng của thị trường vốn Việt Nam bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017.

Có nhiều ý kiến cho rằng, khả năng thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển của Chính phủ vẫn còn hạn chế, theo ông lý do là gì?

Ông Phạm Hồng Hải: Việc Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình sẽ làm giảm nguồn ưu đãi ODA trong tương lai, vì vậy, thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư cho các dự án công là rất quan trọng, nhưng để thu hút được dòng vốn này chúng ta cần có cơ chế để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bằng nhiều cách.

Thông thường ở các nước, họ sẽ có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư để đảm bảo khi nhà đầu tư tham gia vào dự án (điển hình theo hình thức đối tác công tư - PPP), họ không phải gánh chịu rủi ro của toàn bộ dự án. Sau đó, khi nhận thấy các dự án đầu tư thành công, họ sẽ có thêm niềm tin để chấp nhận rủi ro nhiều hơn khi tham gia các dự án khác.

Việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án của Nhà nước cũng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả của dự án, bởi nhận thấy dự án có hiệu quả thì họ mới tham gia đầu tư, đây cũng là bài kiểm tra rất tốt để biết liệu chúng ta có nên đầu tư nữa hay không.

Trong giai đoạn cuối năm, nhiều doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Với vai trò là người cũng tham gia vào thị trường vốn, ông đánh giá như thế nào về quá trình này?

Ông Phạm Hồng Hải: Đây là giai đoạn hứng khởi của thị trường vốn Việt Nam, vì trước đây, các nhà đầu tư thường than phiền không có hàng để mua và không có các công ty có vốn hóa lớn để đầu tư vào. 

Tôi cho rằng quá trình cổ phần hóa hiện nay đang khá hấp dẫn khi Chính phủ chấp nhận bán tỷ lệ sở hữu vốn lớn ra thị trường, ví dụ như Sabeco, Chính phủ sẽ bán hơn 53%.

Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ đối với những lĩnh vực mà Chính phủ không cần nắm quyền kiểm soát mà chấp nhận cho kinh tế tư nhân tham gia. 

Đây cũng là thời điểm phù hợp bởi sau khi tổ chức APEC thành công, sự tập trung chú ý của các nhà đầu tư vào Việt Nam là rất cao, đây cũng là cơ hội thuận lợi để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường thế giới.

Cuối cùng cơ chế chào bán như thế nào cũng rất là quan trọng, làm sao chúng ta đạt được mức giá tốt đồng thời cũng thu hút được nhà đầu tư phù hợp nhất, có thể giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng giá chào bán của các DNNN là quá cao, gấp 2,3 lần giá thị trường, rõ ràng, với mức giá cao như thế, khó mà thu hút được nhiều nhà đầu tư. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Hồng Hải: Thực tế là lúc nào người mua cũng muốn mua với giá thấp nhất và người bán sẽ muốn bán với mức giá cao nhất. Vì vậy tôi nghĩ tốt nhất là nên để thị trường tự xác định mức giá phù hợp cho giao dịch đó.

Khi bán cổ phần ra thị trường, các nhà đầu tư chiến lược thông thường sẽ chấp nhận trả một mức giá cao hơn bình thường với kỳ vọng mua được số cổ phần chi phối. Cũng phải nói thêm là nếu chúng ta bán ở mức giá cao nhất thì có thể sẽ không thu hút được nhà đầu tư phù hợp còn nếu chúng ta bán ở giá không đủ cao tức là không đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

Theo thông lệ thị trường, mức giá phải phù hợp là điều tất yếu, tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải tìm được cho doanh nghiệp một nhà đầu tư có thể tạo ra giá trị lớn hơn trong tương lai, cần phải cân nhắc đến chiến lược đầu tư của họ, bởi giả sử sau khi có được cổ phần, họ thay thế thương hiệu của mình thành thương hiệu của họ thì thật vô nghĩa.

Hiện nay không có nước nào mà doanh nghiệp chi phối thị trường lại chấp nhận bán cổ phần như các DNNN của Việt Nam. Đây chính là điều hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 

Theo ông sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán hiện nay ở mức nào khi 10 năm rồi chúng ta mới đạt lại mốc 900 điểm? 

Ông Phạm Hồng Hải: Con số 900 điểm không thực sự phản ánh quá nhiều điều, chúng ta mong muốn có sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư có chuyên môn, chỉ số VNIndex cao hay thấp không nên là yếu tố quyết định thị trường có tốt hay không, mà chúng ta cần nhìn vào yếu tố mang lại sự lành mạnh của thị trường chứng khoán, có ổn định hay không và những ai tham gia vào cuộc chơi đó,… 

Nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán mới là tín hiệu thị trường đang phát triển một cách bền vững, chứ không phải phát triển theo bề nổi. 

Một số người cho rằng thị trường đang tăng trưởng quá nhanh, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng trưởng khá tốt, cộng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là nơi thu hút vốn mạnh trong các năm trước đây, thì sự tăng trưởng có phần 'nóng' này là điều dễ hiểu.

Trước đây, dòng vốn đầu tư thường chảy vào Trung quốc hoặc các thị trường mới nổi khác, trong khi dòng vốn vào Việt Nam có phần chậm hơn, nên khi các nhà đầu tư ngoại tham gia vào cuộc chơi, sự thay đổi về giá sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. 

Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP 6,7 % cộng thêm nhiều yếu tố thuận lợi khác như các hiệp định thương mại tự do, được xem là 1 thị trường có nhiều tiềm năng. Tất cả các quan điểm đánh giá về mặt chỉ số là cao hay thấp chỉ mang tính thời điểm. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường thường nghĩ dài hơn với kỳ vọng trong 3-5 năm tới. 

Vậy ông kỳ vọng gì về thị trường vốn tại Việt Nam trong năm 2018? 

Ông Phạm Hồng Hải: Thị trường chứng khoán được nhận định sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới song song với bối cảnh chung của thế giới. Thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn đang hoạt động rất tốt, các ngân hàng vẫn có nhu cầu cho nguồn vốn dư thừa. 

Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp lại là một bài toán khó. Hiện nay, việc tiếp cận với thị trường trái phiếu không hề dễ dàng. Một số vấn đề khác cũng cần phải giải quyết, ví dụ như kênh huy động đầu tư, các vấn đề liên quan đến quỹ hưu trí, về các chính sách tạo thuận lợi cho người dân có thể tham gia mua trái phiếu. 

Đó là một bài toán tổng thể, bao gồm cả việc bổ sung thêm nhiều sản phẩm trái phiếu khác nhau, mà không nhất thiết là cố định hay thả nổi, thậm chí còn có thể gắn trái phiếu với chỉ số lạm phát, hay việc các công ty bảo hiểm muốn mua trái phiếu kỳ hạn càng dài càng tốt, hoặc trái phiếu không lãi suất để không phải tái đầu tư dòng tiền trong tương lai,... đó là bài toán tương đối dài hơi mà chúng ta phải làm để 5,10 năm sau thị trường vốn tại Việt Nam phát triển theo hướng ổn định hơn. 

Việt Nam phải đặc biệt quan tâm đến các kênh thị trường vốn này vì nếu phụ thuộc quá vào nhiều dòng vốn ngân hàng, hay FDI, trong trường hợp những dòng vốn này không ổn định, chúng ta sẽ không có các dòng vốn khác hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!