Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vì đâu nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn?

Michael Modler* - 08:54, 27/11/2017

TheLEADERTỷ lệ và giá cổ phần được chào bán của doanh nghiệp nhà nước được xem là rào cản lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vì đâu nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn?
Một dây chuyền sản xuất sữa hiện đại của Vinamilk.

Hầu như nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các doanh nghiệp này thường đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực dịch vụ công (như vận tải công cộng, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục) và các ngành công nghiệp có cơ chế độc quyền tự nhiên (như đường sắt và nước sinh hoạt). 

Tuy nhiên, những lợi ích từ việc tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động và đóng thuế cổ tức vào ngân sách nhà nước có đôi khi còn chẳng bõ những chi phí phát sinh do làm việc không hiệu quả, nạn "chạy chọt" và tham nhũng.

Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc cổ phần hóa DNNN là điều dễ hiểu, bởi vì:

Thứ nhất, sự bùng nổ liên tục của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đảm bảo Nhà nước có thể bán vốn với mức giá tốt hơn so với trước kia.

Thứ hai, nhờ cổ phần hóa, giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh, từ đó giúp nâng hạng thị trường từ "cận biên" (frontier market) lên "mới nổi" (emerging market). Đây sẽ là dấu mốc đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam, đồng thời sẽ tác động đáng kể đến việc tạo ra hệ thống tài chính cân bằng hơn, đóng vai trò lớn hơn trong thị trường vốn và giảm mức độ phụ thuộc vào cho vay ngân hàng.

Thứ ba, kế hoạch này có thể tạo nguồn lực vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước. Chính phủ cho biết 250.000 nghìn tỷ đồng huy động từ các khoản giải ngân của các DNNN giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được chuyển sang các dự án đó. Thật vậy, chẳng còn lựa chọn nào khác nữa vì các khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và các đối tác ODA đang giảm, trong khi nợ công đã gần chạm trần ở mức 65% GDP.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghi ngờ kế hoạch này. Tháng trước, tạp chí kinh tế Nhật Bản Nikkei Review đã trích dẫn một số nhà đầu tư giấu tên sử dụng những từ "vô lý" và "đáng thất vọng" để nói về kế hoạch cổ phần hóa.

Tại sao phải mất công lo lắng về các nhà đầu tư nước ngoài đến vậy? Dễ hiểu thôi. Chính phủ muốn rút vốn khỏi các tập đoàn lớn - theo chuẩn Việt Nam. Trong khi những người thực sự hứng thú và đủ khả năng tài chính để mua lại khối tài sản đó, phần lớn lại là các nhà đầu tư nước ngoài.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề lớn nhất hiện nay là tỷ lệ và giá chào bán cổ phần các DNNN. Ví dụ, cuối năm 2016, khi Chính phủ chào bán 9% cổ phần của Vinamilk, giá khởi điểm là 144.000 đồng/cổ phần (khoảng 6,34 đô la). Con số này cao hơn 7,2% so với giá cổ phiếu vào thời điểm đó, và cuối cùng, chỉ có Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave mua 5,4% cổ phần. Phần còn lại được bán sau đó gần một năm vào tháng 11 vừa qua.

Những rào cản trong đầu tư và việc chào bán các cổ phần nhỏ trong đợt chào bán đầu tiên (IPO) cũng là một vấn đề cần xem xét. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phản ánh một số liệu đáng lo ngại trong một cuộc phỏng vấn gần đây với TheLEADER: khoảng 4.500 DNNN đã chuyển đổi thành công ty cổ phần, nhưng chỉ có 10% cổ phần của các công ty này đã được bán cho các nhà đầu tư tư nhân.

Trên thực tế, các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới (các quỹ hưu trí và các nhà cung cấp quỹ tương hỗ) thường có tổng tài sản quản lý (tổng giá trị tài sản công ty đó quản lý giúp các nhà đầu tư) cao gấp nhiều lần giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty Việt Nam được xem là nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn sẽ không lọt nổi vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư lớn cho đến khi những rào cản được gỡ bỏ.

Trong khi đó, một số công ty cổ phần tư nhân sẵn sàng đầu tư nhỏ, nhưng họ thường mua ít nhất khoảng 20% cổ phần và bỏ qua các công ty có đại diện của Chính phủ duy trì quyền kiểm soát hoặc nắm giữ quyền phủ quyết.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã thất vọng (nhưng chắc cũng chẳng ngạc nhiên) khi Nhà nước thông báo kế hoạch cắt giảm cổ phần tại Vinamilk và Sabeco xuống còn 36%. Con số này đủ để giữ quyền phủ quyết, dù ban đầu Nhà nước ngầm ra hiệu sẽ rút vốn hoàn toàn.

Họ chẳng có lỗi gì khi thắc mắc: Nếu Nhà nước không muốn hợp tác triệt để hơn trong những lĩnh vực tương đối quen thuộc như sản xuất sữa và bia, thì làm sao có thể tách ra hoàn toàn trong các ngành mang tính chất chiến lược như viễn thông và vận tải?

Mặc cho những xì xào đây đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến quá trình cổ phần hoá. Nhưng bản chất của việc cải cách DNNN sẽ vẫn chỉ mang tính hình thức cho đến khi Chính phủ và nhà đầu tư hợp tác ăn ý hơn nữa.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Michael ModlerGiám đốc phát triển kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn cầu (GIBC) tại TP. HCM.