Cú ‘huých’ lớn hút dòng vốn Hoa Kỳ vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam

Đặng Hoa - 15:09, 02/04/2018

TheLEADERNhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam hiện nay chính là cơ hội hợp tác lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Cú ‘huých’ lớn hút dòng vốn Hoa Kỳ vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam
Phiên đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ.

Vừa qua tại phiên đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam đã đưa ra đề nghị các đối tác Hoa Kỳ hỗ trợ trong việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Việt Nam cũng đề nghị các đối tác Hoa Kỳ hỗ trợ đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và chuyển giao công nghệ hiện đại phục vụ nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định và nhu cầu cấp thiết về năng lượng khiến Việt Nam hiện đã và đang phải dựa vào nhập khẩu năng lượng thay vì xuất khẩu như trước đây.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, dầu thô, than đá, khí, thuỷ điện và năng lượng phi thương mại là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng.

Cú ‘huých’ lớn nhằm thu hút nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng

“Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015”, ông Vượng cho biết.

Báo cáo tổng quan và chiến lược đa dạng hoá năng lượng Việt Nam đã nhìn nhận: Việt Nam buộc phải trở thành nước nhập khẩu năng lượng sau một thời gian dài xuất khẩu là do kinh tế phát triển và tăng dân số. 

Theo đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 6%/năm suốt 12 năm từ 2005 – 2017 trong khi đó dân số tăng đạt mức 93,7 triệu người và tổng tiêu thụ điện 1,852 kWh/đầu người.

Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy sự đáng ngại khi tỷ lệ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng, đặc biệt đáng ngại hơn nữa là lượng than nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công thương), tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam trong năm 2015 là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025 và có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035.

“Các con số nêu trên nói lên nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam hết sức hiện thực và chính là cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng của Hoa Kỳ như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, UOP, GE, AES, … đều đã có mặt tại Việt Nam với nhiều dự án hợp tác sôi động trải rộng trên khắp cả nước tập trung vào các lĩnh vực như thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; đầu tư, phát triển các nhà máy điện; hợp tác khoa học kỹ thuật năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo…

Phía Việt Nam đề nghị các nhà đầu tư Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam; đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu năng lượng (LNG, than) tại Việt Nam; các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, các dự án nhiệt điện chạy khí; phát triển các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo; phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải,...

Bên cạnh đó, đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cho rằng, một điều cơ bản không kém vấn đề cung cấp năng lượng là phương thức mà một nước lựa chọn để quản lý năng lượng của mình.

Cú ‘huých’ lớn nhằm thu hút nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink. Ảnh Reuters

“Nói như vậy là tôi muốn đề cập đến những vấn đề như giá cả, tài chính, phân phối, và những ảnh hưởng về mặt môi trường của các phương án năng lượng mà chúng ta đã lựa chọn”, ông Kritenbrink nhìn nhận.

Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến giá điện và thị trường điện có thể vẫn tồn tại ảnh hưởng đến một cơ chế minh bạch, rõ ràng, cạnh tranh và hiệu quả.

Về giá điện, ông Quang cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng quy định dựa theo hiệu quả hoạt động khâu truyền tải và phân phối điện, xây dựng cơ chế giá phát điện và hợp đồng mua bán điện phù hợp với thiết kế thị trường điện từng cấp độ, xây dựng và cải thiện cơ chế giá điện các khâu để nâng cao tính minh bạch.

Trong khi đó, cần thiết kế mô hình thị trường phù hợp với ngành điện của Việt Nam, xây dựng khung pháp lý minh bạch, hình thành đơn vị truyền tải điện độc lập hoàn toàn, xây dựng cơ chế cho nhà máy điện BOT, năng lượng tái tạo tham gia thị trường, các công cụ tài chính quản lý rủi ro trong thị trường giao ngay.

Hiện Việt Nam cũng vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp hướng đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo đó lộ trình phát triển thị trường điện mới qua giai đoạn 1 hình thành thị trường phát điện cạnh tranh và bước sang giai đoạn 2 hiện nay là hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021 và sẽ tiến tới đến giai đoạn 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh năm 2023.

Cơ chế chính sách ưu đãi hiện hành về giá bán điện năng lượng tái tạo áp dụng đối với nhà đầu tư, cụ thể thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất, mức 10% trong 15 năm, miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu; Tập đoàn điện lực Việt Nam ưu tiên mua toàn bộ sản lượng điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo; hợp đồng mua bán điện mẫu được duy trì 20 năm (không đàm phán).

Hiện Chính phủ Việt Nam đang hướng tới tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo gồm gió, mặt trời, các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống (than, củi), LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng) và điện nhập khẩu để thay thế nhiệt điện than và điện hạt nhân.

Theo kế hoạch nhập khẩu năng lượng dầu khí và than đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập 10 - 12 triệu tấn dầu thô/năm; bắt đầu nhập 1 - 3 triệu tấn LNG; 40 triệu tấn than/năm; đến năm 2025, sẽ nhập 18 - 20 triệu tấn dầu thô/năm; 3 - 6 triệu tấn LNG/năm; 70 triệu tấn than/năm.

Theo quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh (PDP7) đã được phê duyệt, tỷ trọng nhiệt điện than lên đến 53% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030; tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 4 - 5%; điện hạt nhân ước tính đóng góp 6%.