'Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt'

An Chi - 08:00, 07/06/2018

TheLEADERPhó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt.

'Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt'
Một góc Phú Quốc

Tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6/6, liên quan đến đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề: "Nếu triển khai thành công ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, kinh tế xã hội của ba địa phương này sẽ phát triển đến mức nào, đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế đất nước".

Ông Trí cũng đề nghị Phó thủ tướng làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với sự ổn định của an ninh quốc phòng, sự toàn vẹn lãnh thổ theo thời gian 50 năm, 100 năm và lâu hơn nữa tại các đặc khu để dư luận và cử tri yên tâm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện Quốc hội đang bàn, chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để có câu trả lời đầy đủ phải nghiên cứu chặt chẽ hơn, do đó, bà Ngân đề nghị Phó thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

Trước đó, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã đặt vấn đề: Ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì?

Ông Hiển cho rằng, thời gian qua việc nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương tại các đặc khu rất được quan tâm, tuy nhiên, vấn đề kinh tế lại chưa được thảo luận kỹ. Trong khi mục tiêu chính của việc lập ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan toả, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực để tạo ra sự phát triển nhanh chóng.

"Hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, câu hỏi mà cơ quan soạn thảo, Chính phủ phải trả lời là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì. Trong ngắn hạn có thể chưa có hiệu quả nhưng dài hạn thì phải thu được kết quả tích cực", ông Hiển nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hiển cho rằng, báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan thẩm tra và báo cáo giải trình của Chính phủ đều chưa nói rõ sẽ xử lý vấn đề kinh tế, hiệu quả như thế nào. 

"Đã làm kinh tế thì phải đặt trên mặt bàn thu, chi như thế nào. Phải nhìn nhận tổng quát nhất chứ chỉ nhìn định tính thì khó, không thể đưa ra các quyết định đúng đắn được", ông Hiển nói.

Sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu trong các đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và hội đồng nhân dân bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

Với quy trình chặt chẽ như vậy, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.

'Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt' 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Cũng theo ông Huệ, trên thế giới, việc thành lập các đặc khu kinh tế nhằm tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế, tạo cực tăng trưởng kinh tế mới cho quốc gia, đó là nguyên tắc chung của việc thành lập đặc khu. Hiện Quốc hội đang thảo luận, tính toán tổng thể lợi ích của việc phát triển các đặc khu kinh tế, cả về kinh tế, thu hút đầu tư cả về quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng cho rằng, khi có các đặc khu này, Hà Nội và TP. HCM vẫn là hai đầu tầu, động lực cho phát triển kinh tế đất nước, dù có hay không có đặc khu thì vẫn vậy, bên cạnh đó là 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. 

Do đó, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tập trung cơ chế chính sách để phát triển các vùng kinh tế này làm lan toả sự phát triển đến các địa phương khác.

Việc ra đời các đặc khu không có tác động gì tới nguồn lực phát triển của Chính phủ để tập trung cho hai đầu tầu kinh tế là Hà Nội, TP. HCM và 7 khu kinh tế, Phó thủ tướng cho hay.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ gia tăng sau khi ba đặc khu đi vào hoạt động. Tại Phú Quốc, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Thu được từ các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD và mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300USD vào năm 2020 và 13.000USD vào năm 2030.

Tại đặc khu Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Vân Đồn cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030.

Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000USD vào năm 2020 và 12.500USD vào năm 2030. Tại Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030. Mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000USD vào năm 2020 và 9.500USD vào năm 2030.