Đại sứ Australia: Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Australia

Đặng Hoa - 00:08, 16/02/2018

TheLEADERVới đà tăng trưởng mạnh mẽ cũng với những nỗ lực cải cách từ phía Chính phủ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, đặc biệt từ Australia.

Đại sứ Australia: Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Australia
Đại sứ Australia tại Việt Nam, Ngài Craig Chittick.

Sau 45 năm quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia đã đạt được những bước tiến đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư. Hiện nay, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.

TheLEADER đã có cuộc trò chuyện với đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick về tình hình đầu tư từ Australia vào Việt Nam trong những năm qua cũng như triển vọng trong năm mới 2018.

Xin ông cho biết tình hình đầu tư từ Australia vào Việt Nam trong những năm vừa qua?

Đại sứ Craig Chittick: Trong thời gian qua, đầu tư từ Australia vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác của Việt Nam, trong đó có đại học RMIT. Nhiều ngân hàng đã đầu tư vào Việt Nam và đã hoạt động tốt ở đây.

Trong một vài tháng qua, nhiều thương vụ đầu tư quy mô nhỏ từ Australia cũng đã được thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều nhà đầu tư cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam; chính họ đã kể cho chúng ta câu chuyện về một Việt Nam ngày càng hiện đại, hứa hẹn nhiều nhà đầu tư không chỉ từ Australia mà các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào đây.

Trong đợt tham dự Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 năm ngoái, thủ tướng Australia đã tới Việt Nam cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Có những người lần đầu đến đây và có cơ hội tìm hiểu về tiềm năng đầu tư vào Việt Nam và cũng có những người đến đây lần thứ 2, thứ 3 nhưng lại tìm hiểu Việt Nam ở một vài phương diện, góc độ khác.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Australia đã tìm thấy tiềm năng đầu tư ở đây, đặc biệt với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, GDP tăng hơn 6,8% trong năm ngoái, đây là một con số rất ấn tượng. Tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn thế nữa. Chính điều này sẽ là một lực hút lớn đối với các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam có gặp phải những khó khăn trở ngại nào không thưa ông?

Đại sứ Craig Chittick: Theo tôi không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng có những trở ngại nhất định, tuy nhiên điều quan trọng là những trở ngại này đã được cải thiện đáng kể theo thời gian. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và tôi thấy rằng chính phủ Việt Nam đã có cách tiếp cận rất hiệu quả đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện đã được cải thiện đáng kể. Năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 68 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2016. Có thể thấy các chương trình cải cách đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trở nên thông thoáng hơn rất nhiều và có thể sắp tới sẽ có nhiều chương trình cải cách khác nữa.

Tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã có những kế hoạch chi tiết và hiệu quả. Dự báo đến năm 2035 của Bộ kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy một đường đi rất thuận lợi của Việt Nam để đạt được những triển vọng và tiềm năng của mình trong thời gian tới.

Tất nhiên có những vấn đề cần được giải quyết và phía Australia đã, đang và sẽ làm việc với Việt Nam để giúp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại đây, giúp thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư cũng như để các nhà đầu tư Australia được tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Có thể nói rằng năm ngoái là một năm kỷ lục về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; do đó, thách thức lớn nhất bây giờ của Việt Nam theo tôi là duy trì được sự phát triển này một cách bền vững để thu hút đầu tư cũng như có được sự tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng.

Bên cạnh đại học RMIT, Australia đã có những hoạt động đầu tư về giáo dục nào khác tại Việt Nam?

Đại sứ Craig Chittick: Việc hỗ trợ, đầu tư vào giáo dục là một hoạt động đầu tư dài hạn của chính phủ Australia tại Việt Nam và chúng tôi rất tự hào về điều này.

Hiện nay, số lượng học sinh Việt Nam tại Úc rất lớn và phần lớn học sinh chọn lựa đi du học tự túc với sự hỗ trợ và cung cấp tài chính từ phía gia đình, khoảng 23.500 học sinh. Điều này phản ánh Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình chứ không còn là một nước nghèo nữa.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã có nhiều học bổng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam với các chương trình học khác nhau như các khóa học về khoa học môi trường, khoa học nông nghiệp, những ngành nghề mà các học sinh học tự túc không chọn lựa nhiều. 

Chúng tôi vẫn duy trì nhiều chương trình học bổng để giúp giảm bớt khoảng cách về kiến thức, kỹ năng giữa các ngành nghề cũng như trong các cơ quan chính phủ, tuy nhiên mức độ hỗ trợ sẽ không còn được như 20 năm về trước.

Thành tích học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam tại Australia so với các quốc gia khác như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Craig Chittick: Các sinh viên Việt Nam tại Úc đã thể hiện mình rất tốt. Từ các phản hồi, đánh giá mà tôi nhận được từ giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học tại Australia cho thấy kết quả học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam thường nằm trong top đầu.

Điều này cho thấy học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại Australia nói chung và học sinh Việt Nam du học nói chung đang ngày càng đạt nỗ lực để đạt được kỳ vọng và đạt được tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.

Sau khi hoàn thành các khóa học, có nhiều học sinh Việt Nam ở lại làm việc tại Australia?

Đại sứ Craig Chittick: Với các sinh viên đi du học thông qua học bổng của Chính phủ, họ sẽ phải trở về Việt Nam để cống hiến cho quê hương. Một số sinh viên với tình yêu lớn giành cho Australia đã quyết định ở lại và làm việc; tuy nhiên phần lớn sinh viên đã trở về quê hương làm việc sau khi tốt nghiệp, đóng góp cho sự phát triển cũng như tương lai của Việt Nam và đạt được những thành công nhất định.

Chúng tôi cũng đã có các chương trình, quỹ hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp để thực hiện các dự án phát triển cộng đồng; trong năm ngoái, chúng tôi đã giành 0,5 triệu USD để hỗ trợ sinh viên thực hiện chương trình này với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!