Doanh nghiệp kêu ‘chi phí khủng khiếp’ vì thủ tục nhập khẩu

Hà Chính - 16:55, 06/12/2017

Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phản ánh việc mất hàng triệu ngày công cùng chi phí “khủng khiếp” tại cảng Hải Phòng do thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Doanh nghiệp kêu ‘chi phí khủng khiếp’ vì thủ tục nhập khẩu
Ông Lê Giang trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo. - Ảnh: VGP

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) ngày 6/12, nhiều ý kiến bức xúc đề cập tới việc việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chồng chéo, mất thời gian, cụ thể là kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Theo ông Lê Giang từ Công ty TNHH Vĩnh An, từ năm 2013 tới nay, doanh nghiệp này mất gần 1 tỷ đồng cho chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mỗi năm mất khoảng 300 triệu đồng.

Ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay G7, cơ quan quản lý Việt Nam cũng không chấp nhận.

“Mà nói thật là theo chúng tôi biết, thì họ không kiểm tra gì cả. Ví dụ chỉ tiêu về đạm, chỉ cần lệch nhau nửa độ đạm thì các doanh nghiệp đã nhảy lên rồi, nhưng kết quả kiểm tra họ lệch tới 3 độ. Khi chúng tôi kêu thì các ông ấy chỉnh sửa, lại đúng”, ông Giang nêu thực tế tại hội thảo do VCCI phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức.

Theo ông Giang, thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, tức 3 ngày. Như vậy, chi phí lưu kho lưu bãi của các doanh nghiệp là “khủng khiếp”. Bởi tại khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 80 triệu TEU (container tiêu chuẩn) hàng hóa, trong đó có khoảng 10% là thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tức là khoảng 8 triệu container.

“Từ đầu năm tới nay, riêng doanh nghiệp chúng tôi mất khoảng 1 tỷ đồng chi phí lưu kho lưu bãi, trong khi chúng tôi nhập khẩu không nhiều lắm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm”, ông Giang nói và cho rằng nếu cải cách được vấn đề này sẽ giảm ngay được hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí kiểm nghiệm cho doanh nghiệp, chưa kể chi phí lưu kho, lưu bãi.

Ông Giang cho biết thêm, chi phí thuê tàu lúc cao điểm lên tới 30 nghìn USD một ngày, vậy mà doanh nghiệp phải mất nhiều ngày lưu lại cảng.

Thời gian làm thủ tục 'dài lê thê'

Để giải quyết vấn đề, ông Giang cho rằng khi sản xuất thành thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp còn phải chịu sự quản lý về hợp chuẩn, hợp quy mới được đưa sản phẩm ra lưu hành, nên chăng chất lượng đầu vào của nguyên liệu nên giao cho doanh nghiệp tự quản lý? Mặt khác, với các nguyên liệu đã được các quốc gia phát triển như Mỹ công nhận thì không kiểm tra lại nữa.

Hơn thế nữa, chi phí kiểm tra còn tính trên giá trị lô hàng. Chi phí kiểm tra độ đạm mất khoảng 350.000 đồng mỗi lần, nhưng cơ quan quản lý thu phí tính trên giá trị lô hàng, ví dụ lô hàng trị giá nửa triệu USD mất khoảng 9 triệu đồng tiền phí!

Mặt khác, cùng một con tàu, cơ quan quản lý chỉ lấy 1-2 mẫu, tuy nhiên tàu đó chở hàng cho khoảng 60 chủ hàng, thì vẫn lấy phí của tất cả 60 chủ hàng đó, nhiều trường hợp chi phí cả tàu lên tới 1 tỷ đồng.

Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp đau đầu là tình trạng kiểm tra chồng chéo. Các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vừa cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, vừa bị các cơ quan kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật kiểm tra.

“Ở các cảng phía Nam thì việc kiểm dịch rất nhanh, sáng hàng đến thì chiều thông quan, nhưng ở cảng Hải Phòng thì phải mất 48 tiếng mới cấp chứng thư. Thời gian kéo dài lê thê, mệt mỏi vô cùng, nhất là nếu trùng thứ Bảy, Chủ Nhật”, ông Giang bức xúc.

Cùng ý kiến với ông An, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thường có khối lượng rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tấn, nếu thời gian làm thủ tục kéo dài thì chi phí rất lớn, chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng, rất phiền toái cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho rằng cơ quan quản lý không nên phân tích quá nhiều những chỉ tiêu không cần thiết, chỉ nên kiểm tra một số chỉ tiêu như chất cấm, chất gây hại… mà thôi.

Bộ cam kết "đã nói là làm"

Phát biểu phản hồi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong thời gian qua, Chính phủ rất kiên quyết trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đi kiểm tra các bộ ngành, địa phương, hiện đang tập trung xử lý vấn đề thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bà Kim Anh thừa nhận trong việc quản lý vật tư nông nghiệp đang có sự chồng chéo giữa các đơn vị kiểm tra chất lượng, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật trong cùng Bộ. “Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan và thống nhất theo hướng một mặt hàng thì chỉ một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác phối hợp và chỉ lấy mẫu 1 lần”, bà nói.

Cho rằng các đơn vị của Bộ đã có nhiều nỗ lực để phục vụ doanh nghiệp, song bà Kim Anh cũng cho biết Bộ sẽ kiểm tra lại những phản ánh của doanh nghiệp, nếu đúng sẽ cương quyết chấn chỉnh.

“Sang tuần tới, chúng tôi sẽ đi kiểm tra ở Hải Phòng và Quảng Ninh, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp của anh Lê Giang. Bộ đã hứa là sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ sẽ làm”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cam kết và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Chăn nuôi sửa đổi.

Không cấm có chắc được sử dụng?

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định dự thảo luật có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tư duy quản lý hiện đại. Trong đó, có những quy định như danh mục cấm đối với thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, ông Ngô Tiến Dũng từ tập đoàn TH đặt vấn đề, loại thức ăn không có trong danh mục cấm nhưng cũng không có trong danh mục được phép thì có được sử dụng không?

“Cách đây chưa lâu chúng tôi muốn sử dụng một số loại nguyên liệu mà thế giới dùng lâu rồi nhưng không có trong danh mục được phép tại Việt Nam. Không biết làm thế nào, chúng tôi phải lên tận Bộ trưởng xin chấp nhận. Vậy xin hỏi là nguyên liệu không nằm trong danh mục cấm có được sử dụng không?”, ông nói.

Ông Dũng cũng cho biết theo dự thảo thì tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi để tưới cây thì phải sạch gấp hàng chục lần tiêu chuẩn nước thải ra môi trường. Đây là một điểm chưa hợp lý.

Còn theo ông Nguyễn Duy Lý từ Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, dự thảo Luật quy định một số chất thải rắn trong chăn nuôi không được phép vận chuyển ra khỏi trang trại dưới mọi hình thức. Thế nhưng quy định về môi trường hiện hành lại yêu cầu một số chất thải nguy hại lại phải được vận chuyển ra khỏi trang trại và được xử lý bởi các đơn vị chuyên nghiệp. Do đó, cần rà soát lại quy định để bảo đảm tính thống nhất.