Dự án Bright City: Chủ đầu tư ‘đòi’ thanh lý hợp đồng, người mua nhà có nguy cơ mất trắng?

Thu Phương - 09:35, 21/03/2018

TheLEADERHàng trăm tỷ đồng của khách hàng mua nhà đổ vào dự án Bright City có nguy cơ mất trắng khi chủ đầu tư này thông báo về phương án thanh lý hợp đồng do không còn khả năng tài chính.

Dự án Bright City: Chủ đầu tư ‘đòi’ thanh lý hợp đồng, người mua nhà có nguy cơ mất trắng?
Cư dân Bright City căng băng rôn phản đối chủ đầu tư

Chủ đầu tư nguy cơ phá sản

Sáng 19/3, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Bright City lại một lần nữa xuống đường, căng băng rôn khẩu hiệu kêu cứu, yêu cầu chủ đầu tư trả nhà cho cư dân.

Bright City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở xã hội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án chuyển đổi theo Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 14/2/2014. 

Dự án gồm bốn tòa nhà cao 35 tầng với tống số 1.496 căn hộ, trong đó 80% là nhà ở xã hội. 

Được khởi công từ 11/2014 và chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành việc xây dựng và bàn giao nhà vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công, dự án rất nhiều lần chậm tiến độ với lý do thiếu vốn và hiện tại, toàn bộ dự án đã dừng hẳn việc thi công.

Theo báo cáo phía nhà thầu vào ngày 22/1/2018, con số nợ tồn đọng của chủ đầu tư tại dự án đã hơn 136 tỷ đồng.

Trong buổi họp mới đây nhất với cư dân dự án Bright City, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long - chủ đầu tư dự án cho biết, công ty đang gặp khó khăn rất lớn về vốn. 

Việc gói 30.000 tỷ đồng hết hạn giải ngân khiến chủ đầu tư này không có vốn để tiếp tục xây dựng dự án cũng như bàn giao căn hộ cho khách hàng. Do đó, ông Sơn thông báo đến người mua nhà về việc thanh lý hợp đồng mua nhà tại dự án Bright City đối với khách hàng.

“Đến giờ phút này tôi xác định mất hoàn toàn dự án. Giờ tôi cùng ngồi với mọi người để thương lượng, thanh lý hợp đồng mua nhà. Sau khi khách hàng ký vào bản thanh lý hợp đồng, công ty sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc và lãi của cư dân khi mua nhà tại dự án", ông Sơn cho hay.

Tuy nhiên ông Sơn cũng tuyên bố "không có khả năng trả tiền phạt 8% giá trị hợp đồng do chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng. Các anh, chị kiện cũng đành chịu, công ty buộc phải tuyên bố phá sản, chúng tôi cũng không biết phải làm sao”. 

Trước việc chủ đầu tư dự án Bright City, Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thông báo thanh lý hợp đồng với người mua nhà, chị Lê Ái, một cư dân của dự án cho biết, toàn bộ khách hàng mua nhà hoàn toàn bất ngờ và bức xúc. Hiện các cư dân như chị vẫn đóng tiền đúng tiến độ và thực hiện đúng các quy định của hợp đồng.

Chị Quỳnh, một người mua nhà khác chia sẻ đã phải vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua nhà tại dự án Bright City từ 2015. Sau ba năm, dự án đã dừng thi công nhưng mỗi tháng chị vẫn phải đóng 5 triệu để trả lãi cho ngân hàng. 

Trong khi đó, mức thu nhập cả hai vợ chồng chỉ trên 10 triệu đồng mỗi tháng, khiến kinh tế gia đình chị ngày càng khó khăn.

Dự án nhà ở xã hội đầu tiên ‘đòi’ thanh lý hợp đồng với người mua nhà
Dự án Bright City đã dừng thi công từ nhiều tháng nay

“Chúng tôi vừa phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày, tiền thuê nhà khoảng 2 - 3 triệu/tháng, tiền con cái học hành, tiền sinh hoạt phí, vừa phải “cõng” trên lưng gánh nặng lãi suất ngân hàng do vay tiền mua nhà khoảng 4 - 6 triệu/tháng. Điều này là quá sức đối với những người dân có thu nhập thấp như chúng tôi”, anh Quang Anh, một cư dân khác cho hay.

Theo anh Quang Anh, mong mỏi sau cùng của cư dân dự án Bright City vẫn là được nhận nhà để ổn định cuộc sống chứ không phải là nhận lại tiền thanh lý hợp đồng như một sự chối bỏ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Hơn nữa, thực tế cho thấy lý do chủ đầu tư muốn thực hiện thanh lý trước ngày 14/7/2018 vì trước đó đơn vị này đã vay ngân hàng một khoản tiền để triển khai dự án và sẽ phải quyết toán với ngân hàng trước ngày 14/7 tới. Nếu không, ngân hàng sẽ phát mại tài sản đó.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn đang nợ nhà thầu một khoản tiền lớn không trả được thì làm sao có khả năng trả tiền gốc và lãi hàng trăm tỷ đồng cho người mua nhà. Nếu chủ đầu tư có tiền trả thanh lý hợp đồng cho cư dân, vậy tại sao họ không dùng khoản tiền đó để tiếp tục triển khai xây dựng dự án, một cư dân khác đặt câu hỏi.

Khách hàng có nguy cơ mất trắng?

Cách đây hơn một tháng, hồi đầu tháng 2/2018 các cư dân dự án Bright City cũng đã xuống đường phản đối chủ đầu tư vì dự án hiện đã dừng triển khai sau nhiều lần liên tục dừng thi công.

Tại thời điểm đó, trao đổi với TheLEADER về dự án, ông Sơn đã nhận trách nhiệm về việc dự án chậm tiến độ.

Theo ông Sơn, cho biết, để giải cứu dự án này, chủ đầu tư đã chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất thương mại để tìm mọi cách bàn giao nhà cho khách hàng. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2018, chủ đầu tư sẽ triển khai dự án trở lại. Thời gian xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng sẽ chậm khoảng tám tháng so với cam kết của chủ đầu tư trước đó.

Cam kết này của ông Sơn đã phần nào khiến người mua nhà an tâm, tiếp tục chờ đợi. Tuy nhiên, đến nay, việc chủ đầu tư thông báo thanh lý hợp đồng với người mua nhà, mọi hy vọng của khách hàng về việc một ngày nào đó dự án Bright city được khởi công trở lại ngày càng trở nên mơ hồ.

Trước việc chủ đầu tư dự định thông báo phá sản, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, về nguyên tắc, khi doanh nghiệp phá sản, toàn bộ tài sản sẽ bị phát mại, giá trị tài sản sẽ được ưu tiên trả cho các chủ nợ có bảo đảm trong trường hợp sổ đỏ đã được thế chấp cho ngân hàng.

Nếu còn kinh phí, sẽ thanh toán nợ cho các chủ nợ không có bảo đảm là các khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn, mua bán nhà. 

Tuy nhiên, số tài sản còn lại này là rất ít, thậm chí bằng không. Bởi thực tế, bất động sản thường được các chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Khách hàng là đối tượng không có bảo đảm cho tài sản, không có quyền ưu tiên, do đó, khi công ty phá sản hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, luật sư Đức nhận định.