TS. Lương Hoài Nam: Nên xây nhà ga T3 ở phía Nam để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Trâm Anh - 14:32, 08/11/2017

TheLEADERTheo TS. Lương Hoài Nam, phải cẩn trọng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc do lượng vốn đầu tư quá tốn kém. Trong khi đó, chỉ mất 18 tháng để xây nhà ga T3 đã có quy hoạch và các dự án giao thông kết nối liên quan.

Tại hội thảo “Giải pháp giải toả ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất", TS. Lương Hoài Nam cho rằng, nguyên nhân khiến Tân Sơn Nhất đến nay vẫn ùn tắc là do rất nhiều quy hoạch giao thông cho sân bay này đã được quy hoạch, đã được thống nhất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện hoặc chưa đủ kinh phí thực hiện.

TS. Lương Hoài Nam. Ảnh Trâm Anh

Xây nhà ga lưỡng dụng T3

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch để mở rộng, tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất đã rất cấp bách. Theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải thì tới năm 2025 công suất của sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu khách/năm. Nhưng trong năm 2016, sân bay này đã phục vụ tới 32 triệu khách và dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 36 triệu khách.

Đồng thời, ông Nam cũng đã đưa ra Quyết định số 3193 ngày 7/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải, theo đó, bộ đã quy hoạch một ga lưỡng dụng T3 và đường Phan Thúc Duyện nối dài (song song với đường Cộng Hòa) nối vào nhà ga này nhưng đến nay 3 năm rồi vẫn chưa làm được.

"Nếu làm được nhà ga T3 đã có thể kéo giảm đáng kể tình trạng ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi, thời gian thực hiện cũng chỉ khoảng 18 tháng. Vì thế, thay vì tìm rất nhiều các phương án khác, cần thực hiện ngay các quy hoạch đã có", ông Nam nói.

Theo hướng mở rộng nói trên đã có sẵn diện tích đất đã được Bộ Quốc phòng quy hoạch và bàn giao từ trước để xây nhà ga lưỡng dụng T3. Ở phía này cũng có đất doanh trại Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải để xây thêm nhà ga T4. 

Việc xây thêm hai nhà ga T3, T4 cùng phía với các nhà ga T1, T2 hiện hữu giúp kết nối hoạt động giữa các nhà ga dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều so với khi các nhà ga bị ngăn cách với nhau bởi hai đường băng. 

Cùng đó, ở khu vực này cũng đã có sẵn sân đỗ quân sự với diện tích khoảng 20ha, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp là khai thác dân dụng được. Toàn bộ phương án trên có thể làm nhanh nhất, ít tốn kém nhất để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.

Cẩn trọng khi mở về phía Bắc 

Liên quan đến các ý kiến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, TS. Lương Hoài Nam cho rằng phải cẩn trọng vì việc này gần như là xây dựng một sân bay mới.

Theo ông Nam, đây là một phương án với tổng vốn đầu tư cực kỳ lớn và thời gian thi công lâu. Vì tất cả hạ tầng sân bay đều phải đầu tư mới từ đầu như: đường lăn; nhà ga hành khách; khu đỗ ô tô, xe máy; các cơ sở phục vụ hàng không...

Ngoài ra, nếu mở rộng sân bay về phía Bắc, cộng với xây dựng ga lưỡng dụng T3 theo như quy hoạch, thì công suất Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 60 triệu lượt khách/năm. Vào năm 2015, khi trình dự án sân bay Long Thành con số quy hoạch được định của Tân Sơn Nhất chỉ là 35 triệu khách/năm. Cần xem xét việc này trong mối quan hệ với sân bay Long Thành tương lai thì sẽ gây ra nhiều bất cập.

Với con số tương lai 60 triệu lượt khách của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi mở rộng thì lượt khách đầu vào cho Long Thành sẽ thay đổi rất nhiều. Chưa kể, nhìn tổng thể về khu vực phía Bắc nơi có sân gofl và khu quân sự, hạ tầng giao thông khu vực Gò Vấp rất kém, chỉ có đường Quang Trung là đường 4 làn. 

Nếu thu hồi sân golf thì nên xây nhà ga hàng hóa

Chia sẻ ý kiến của mình về việc một số đại biểu kiến nghị nên thu hồi gấp sân golf để làm đường băng, nhà ga, sân đỗ… TS. Lương Hoài Nam nói: “Theo tôi, nếu phần đất sân golf được thu hồi chưa nên dùng để xây đường băng thứ ba ở phía Bắc. Thay vào đó có thể xây dựng nhà ga hàng hóa, trung tâm bảo dưỡng máy bay, công ty suất ăn, trung tâm huấn luyện… để nâng công suất phục vụ hành khách. Tuy nhiên, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất khó đạt quá 50 triệu khách/năm cho dù có xây thêm bao nhiêu nhà ga, sân đỗ, đường lăn đi nữa. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án mở rộng sân bay về hướng Nam như Bộ Giao thông vận tải đề xuất”.