TS. Võ Kim Cương: Mượn đường, đổi đất để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Trâm Anh - 17:06, 09/11/2017

TheLEADERNguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM Võ Kim Cương e ngại khả năng sân bay Long Thành không kịp đưa vào khai thác năm 2025, do đó, việc giải quyết ùn tắc giao thông, nâng khả năng phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp thiết.

TS. Võ Kim Cương: Mượn đường, đổi đất để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất
TS. Võ Kim Cương. Ảnh Trâm Anh

Tại hội thảo  Giải pháp giải toả ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP. HCM đã đưa ra ba đề xuất giải cứu giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm: Mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam, mượn đường qua doanh trại Quân khu 7 và mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hoà Hưng.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Võ Kim Cương đã nêu bối cảnh chung hiện nay đó chính là cần khẩn trương khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Vấn đề này ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố, của vùng đô thị, của cả nước và đời sống nhân dân.

Theo ông Cương, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc là do thiếu đường, trong khi đó lưu lượng phương tiện lưu thông qua khu vực sân bay quá lớn và ngày càng gia tăng. Các giải pháp điều chỉnh luồng tuyến, xây cầu vượt… chỉ giải quyết cục bộ, chưa thể khắc phục được tình trạng ùn tắc. Bên cạnh đó, các đường nhánh như Phổ Quang, Hoàng Minh Giám…thì rất nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, hai bên lại có rất nhiều cao ốc đang xây dựng, cư dân đông đúc nên rất khó mở rộng.

Ông Cương cho rằng, giao thông là “bộ xương” đô thị nên đất dành cho giao thông phải được ưu tiên hàng đầu. Song các giải pháp mở rộng đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra hiện nay phải giải tỏa nhà dân, chi phí rất cao, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Do đó, ông Cương đã đưa ra đề xuất mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay. Cụ thể, việc mở đường song hành với đường Cộng Hoà rất cấp thiết không chỉ để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa thành phố với khu vực Tây Bắc và nối qua Campuchia. Đường này bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, theo đường Phan Thúc Duyện đi tiếp sát tường rào sân bay và nối vào đường Trường Chinh, lộ giới bảo đảm sáu làn xe.

Đây sẽ là tuyến đường có hiệu quả cao đối với sự phát triển của ngành hàng không, của thành phố cũng như an ninh quốc phòng.

Đề xuất mượn đường, đổi đất 

Để hạn chế lưu lượng giao thông qua đường Trường Sơn, ông Cương đề xuất thêm việc mượn đường qua doanh trại quân khu 7. 

“Con đường này sẽ nối tuyến Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại rồi ra đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Khơi được luồng tuyến này chắc chắn sẽ giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn. Về lâu dài, nếu mở được tuyến đường qua doanh trại quân khu 7 này và nối khác mức vào đường Phạm Văn Hai có thể giảm được nhu cầu phải xây gấp tuyến đường trên cao số 1, đoạn qua đường Bùi Thị Xuân tại nút giao Lăng Cha Cả”, ông Cương nhận định.

Bên cạnh đó, ông Cương còn đề xuất việc mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hoà Hưng.

 “Nói mượn nhưng thực chất là kiến nghị tạm ngưng khai thác đường sắt và triển khai thác sớm đường bộ trên mặt đất của tuyến đường sắt trên cao này. Nếu mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30 m đi từ Quảng trường Dân Chủ qua ga Hoà Hưng nối đến đường Phạm Văn Đồng thì sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của thành phố và ngành đường sắt”, ông Cương nói.

Theo ông Cương, các giải pháp trên đều là những giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích”, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao, tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ. Khó khăn lớn nhất của những giải pháp này là không nằm trong tầm tay thành phố. Nếu không được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và quân khu 7 ủng hộ thì không có hy vọng thực hiện.