10 giải pháp của Bộ Công thương để ngăn tình trạng thiếu xăng dầu

Nhật Hạ - 13:19, 10/02/2022

TheLEADERMặc dù việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu gần đây chỉ là hiện tượng tại một số địa phương, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh không được chủ quan. Bởi vì, nếu nó lan rộng sẽ gây tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.

10 giải pháp của Bộ Công thương để ngăn tình trạng thiếu xăng dầu
Nguồn cung hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu 1,8-2 triệu m3 xăng dầu trong tháng 2.

Nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm và giá cả vì thế có xu hướng tăng là tất yếu.

Nguyên nhân đến từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu dẫn đến tổng cầu tăng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các quốc gia, lãnh thổ sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt; có hiện tượng đứt gãy nguồn cung xăng dầu do dứt gãy cung ứng lao động, vật tư, sản lượng khai thác do đại dịch Covid-19; các quốc gia đều tung các gói kích cầu, phục hồi kinh tế dẫn đến tình trạng lạm phát.

Ở Việt Nam, nguồn cung, giá cả cũng không nằm ngoài biến động thế giới. Tuy nhiên, còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, nguồn cung hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu trong tháng 2.

Tuy nhiên, những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt để loại bỏ.

“Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, ông Diên nhấn mạnh.

Kiểm tra đột xuất 1 - 2 ngày/ lần tại cơ sở kinh doanh xăng dầu

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị 10 giải pháp tại cuộc họp chiều ngày 9/2.

Một là, các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung. Còn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải lên kế hoạch nhập khẩu đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.

Hai là, Cục Công thương phối hợp bên quản lý thị trường các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ.

Ba là, Cục Quản lý thị trường các địa phương tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1 – 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.

Bốn là, thành lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.

Các cơ sở kinh doanh không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép nếu có từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2/2022 trở đi.

10 giải pháp của Bộ Công thương để ngăn tình trạng thiếu xăng dầu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp chiều 9/2. Ảnh: Trang tin của Bộ Công thương.

Năm là, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên nắm chắc diễn biến thị trường xăng dầu thế giới để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Chính phủ.

Sáu là, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ đạo tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước với năng suất cao nhất có thể; PVN tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của Nghi Sơn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nghi Sơn nếu vi phạm các điều khoản cam kết và để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex chủ động nguồn nhập khẩu từ cả trong, ngoài nước để không để đứt gãy nguồn cung và không bị sốc vì giá.

Các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân cần có kế hoạch nhập hàng tăng từ 25 - 30% trở lên trong hệ thống của mình. Nếu như ở địa phương nào, cơ sở kinh doanh nào phản ảnh nguồn cung không bảo đảm thì dứt khoát sẽ bị xem xét xử lý. Đây là trách nhiệm của Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Bảy là, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục xuất nhập khẩu vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu.

Tám là, đề nghị Chính phủ cho phép liên Bộ Công Thương, Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.

Chín là, đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không bảo đảm được thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.

Mười là, làm tốt công tác tuyên truyền về những chỉ đạo điều hành nguồn cung để bình ổn thị trường trong nước.

Từ tháng 3, nguồn cung xăng dầu có thể giảm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được khoảng 75% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu cần nhập khẩu chỉ là 25%. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết mặc dù nhu cầu xăng dầu trong tháng 2 cơ bản được đáp ứng nhưng từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Tuy vậy, với kế hoạch Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chạy đủ công suất từ giữa tháng 3 và đợt hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp bắt đầu về, sẽ bù đắp được nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cũng đang nhập thêm hàng để đủ cung cho thị trường nội địa.

Hiện PVOil đã tăng nhập xăng dầu, dự kiến ngày 20/2 cập cảng 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu. Theo đại diện PVOil, bình quân 3 tháng cuối năm 2021, tại An Giang, mỗi tháng doanh nghiệp này cung cấp gần 2,8 triệu lít các loại. Riêng tháng 1, lượng bán ra của PVOil tăng 11%, hơn 3,1 triệu lít.

Còn Petrolimex cũng đã ký các hợp đồng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. Tháng trước, lượng xăng dầu bán ra của tập đoàn này tăng 30% so với các tháng thông thường. Các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang ký, nhập khẩu xăng dầu.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cũng khẳng định sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước. Sản lượng cung cấp theo hợp đồng của Lọc dầu Dung Quất trong tháng 1 vượt 18%, Nghi Sơn vượt 12%...

Long An là địa phương bộc lộ rõ tình trạng khan hiếm xăng vài ngày qua. Do đó, ông Nguyễn Như Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề nghị việc điều hành của cơ quan quản lý cần linh hoạt, tránh lỗ cho cả hệ thống, khiến các doanh nghiệp hạn chế bán hàng.

"Điều chỉnh cần linh hoạt để tiệm cận hơn giá thế giới. Khi thị trường biến động bất thường, có thể điều chỉnh tức thì, không chờ đến kỳ điều hành để đảm bảo các doanh nghiệp không bị thiệt thòi", ông Lâm đề nghị.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng: "Vừa qua điều chỉnh chưa kịp thời, chiết khấu thấp, ở mức 0 đồng và thậm chí âm, khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn".

Trước đó, tại cuộc họp ngày 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, hiện lượng dự trữ trong nước còn nhiều, và Chính phủ có đầy đủ công cụ, bộ máy để điều tiết. Bộ Công Thương có trách nhiệm và phải chủ động hơn, tuyệt đối không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh.

Theo Phó thủ tướng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.