3 năm lãi lớn của Suntory PepsiCo Việt Nam

Trần Anh - 08:50, 20/09/2018

TheLEADERSau khi bị nghi vấn chuyển giá, Suntory PepsiCo Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực, công ty đạt hơn 3.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm gần đây.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, PepsiCo Vietnam (sau này là liên doanh Suntory PepsiCo Vietnam - Pepsi) cùng với Coca-cola nhanh chóng trở thành 2 tên tuổi lớn nhất trên thị trường đồ uống không cồn ở Việt Nam.

Tương tự như ‘cuộc chiến trăm năm’ giữa Pepsi và Coca-cola diễn ra trên toàn cầu, ở trong nước, hai gã khổng lồ này cũng cạnh tranh rất quyết liệt. Pepsi tỏ ra vượt trội hơn khi doanh thu trong các năm gần đây đều gấp đôi so với Coca-cola.

Ở mỗi phân khúc, hai công ty đều có các sản phẩm chủ lực làm đối trọng của nhau. Nếu Coca-cola có Coca-cola, Nutriboost, Samurai, Aquarius, Dasani,… thì Pepsi có Pepsi, 7Up, Revive, Mirina, Aquafina, Twister,…

Nhưng tương tự như nhiều doanh nghiệp FDI khác khi đầu tư vào nước ta, hai tập đoàn đồ uống lớn nhất thế giới đều ghi nhận các khoản lỗ lũy kế khổng lồ trong một thời gian dài. Kết quả này khiến Coca-cola và Pepsi bị cơ quan thuế đặt nghi vấn chuyển giá.

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, cả Pepsi và Coca-cola đều có kết quả kinh doanh tích cực. Thậm chí Pepsi đã xóa hoàn toàn lỗ lũy kế và tích lũy được 2.735 tỷ đồng lợi nhuận.

Cụ thể, năm 2017, Pepsi đạt 15 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 5% so với năm 2016. Công ty đạt 1.427 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 27% so với năm trước đó.

3 năm lãi lớn của Suntory PepsiCo Việt Nam

Còn Coca-cola tăng trưởng khi doanh thu khoảng 6% trong năm ngoái, đạt 7.218 tỷ đồng. Nhưng giá vốn có dấu hiệu tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 227 tỷ đồng, bằng một nửa so với các năm trước đó. Coca-cola đã giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng lỗ lũy kế nhờ lợi nhuận tích lũy được trong các năm gần đây.

Hoạt động kinh doanh của Pepsi và Coca-cola tại Việt Nam dự kiến tiếp tục cải thiện trong các năm tới nhờ vào sức tăng trưởng của thị trường đồ uống không cồn. Đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, nơi mà các sản phẩm đồ uống có đường vẫn đang được ưa chuộng.

Trước đó, theo báo cáo của Euromonitor năm 2017 các nước tiêu thụ khoảng 5,3 tỷ lít đồ uống không cồn/ nước giải khát, tăng 55% so với con số 3,4 tỷ lít từ năm 2013.

Trong đó, một số loại đồ uống có mức độ tăng trưởng hai chữ số. Tỉ lệ thuận với sản lượng tiêu thụ, giá trị thị trường cũng tăng mạnh. Năm 2017, quy mô thị trường đạt gần 103 nghìn tỷ đồng.

Đối thủ lớn nhất đang cạnh tranh với Pepsi và Coca-cola là Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp trong nước đang dẫn đầu phân khúc trà xanh với các sản phẩm Trà Xanh 0 độ và Dr Thanh.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị phần đồ uống không cồn tính theo doanh số trên kênh bán hàng đại lý, siêu thị...(off trade) của PepsiCo tăng mạnh từ 27% lên 33% trong 5 năm qua. Trong khi đó, Coca-cola chỉ chỉ quanh ngưỡng 10 - 11%, còn Tân Hiệp Phát giảm từ 16,5% về 13,1%, trong giai đoạn này Tân Hiệp Phát rơi vào khủng hoảng “con ruồi 500 triệu đồng”.

Off trade là kênh bán hàng chiếm khoảng 60% quy mô thị trường đồ uống không cồn/ nước giải khát, 40% còn lại được bán trực tiếp tại nhà hàng, quán ăn...(on trade).

Tuy nhiên, dù có thị phần thấp hơn nhưng Tân Hiệp Phát tỷ suất lợi nhuận vượt xa Pepsi và Coca-cola. Năm 2017, tổng doanh thu từ hai nhà máy của Tân Hiệp Phát tại Bình Dương và Hà Nam đạt gần 7.000 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận đạt 26%. Tỷ lệ này ở hai doanh nghiệp nước ngoài chỉ khoảng 10%.

Các báo cáo cho thấy, giá vốn trên các sản phẩm bán ra của Tân Hiệp Phát vào khoảng 60% trên doanh thu, trong khi hai công ty nước ngoài tỷ lệ này lên tới 70%. Đặc biệt chi phí bán hàng của Coca-cola cao gấp đôi so với Tân Hiệp Phát dù quy mô doanh thu tương đương. Còn Pepsi chi gấp 4 lần nhưng doanh thu chỉ cao gấp đôi Tân Hiệp Phát.