3 nền tảng cho chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0

Phương Anh - 16:28, 03/10/2019

TheLEADERViệc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh và bền vững, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác dụng làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với tốc độ lan truyền nhanh trên nền ứng dụng Internet.

Cùng với đó, cuộc cách mạng này tạo ra thay đổi mang tính hệ thống trong các ngành, lĩnh vực, thậm chí cả một quốc gia; thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất.

Việt Nam được nhận định đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, không ngừng cải thiện mức độ sẵn sàng trong việc tiếp cận, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của cuộc cách mạng 4.0, gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam nắm bắt nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển nền kinh tế, hướng tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần trên nền tảng một chiến lược tổng thể của quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng chung của quốc tế”.

3 nền tảng cho chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất.

Theo đó, chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 của Việt Nam sẽ bao gồm 3 yếu tố nền tảng.

Trước hết, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hai là phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.

Ba là phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh đó, 3 nhóm chính sách quan trọng dự kiến sẽ được triển khai.

Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công, bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại diễn đàn cũng chỉ ra các giải pháp bổ sung có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chính sách được đề ra như trên.

Các giải pháp này bao gồm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các startup Việt Nam.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kêu gọi các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác, thành lập các cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.

Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; xây dựng, mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp 4.0.

"Tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN, xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

Đến năm 2030, mục tiêu duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.

Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm và hoàn thành xây dựng Chính phủ số.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.