3 việc doanh nghiệp cần làm để hồi phục 'sức khoẻ' người lao động hậu Covid-19

Quỳnh Chi - 11:15, 03/06/2022

TheLEADERHầu hết người lao động cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng do Covid-19 và có xu hướng cân nhắc đến việc cắt giảm thời gian làm việc, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

3 việc doanh nghiệp cần làm để hồi phục 'sức khoẻ' người lao động hậu Covid-19
Các nhà lãnh đạo ở VBCWE bàn cách thức hồi phục và duy trì nguồn lao động một cách bền vững

Đối mặt thách thức về nguồn lực lao động

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế mà còn đồng thời thay đổi cách nhìn nhận của doanh nghiệp đối với nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội, và đặc biệt là nguồn lực con người.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), con người là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp sống sót qua khủng hoảng và phục hồi sau đại dịch nhưng cũng đồng thời chịu tổn thương nhiều nhất, đặt ra những thách thức lớn hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, sự dịch chuyển lao động quy mô lớn từ các thành phố lớn, trung tâm kinh tế về các vùng quê đã gây ra sự đứt gãy và thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Đến nay, tình trạng này đã diễn ra ở nhiều ngành nghề và địa phương trên cả nước.

Sự thiếu hụt này khiến nhiều doanh nghiệp phải bằng mọi cách đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh, phát sinh nhiều chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo cho nhân lực mới, mất thêm thời gian cho việc tăng chất lượng, sự lành nghề của lực lượng lao động, xây dựng quan hệ lao động và văn hóa doanh nghiệp.

Chất lượng lao động cũng là một thách thức lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. Trong dài hạn, tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi tiêu chuẩn sản phẩm của các đối tác quốc tế ngày càng nâng cao.

Một thách thức khác là độ “vênh” trong kỹ năng và khả năng thích ứng của người lao động với tốc độ cập nhật các phương thức, mô hình làm việc mới. Covid-19 xảy ra như một mệnh lệnh của sự thay đổi, yêu cầu mọi doanh nghiệp phải thích ứng và đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình làm việc mới như làm việc từ xa, làm việc linh hoạt…

Tuy nhiên bà Thanh cho biết, một bộ phận người lao động lại không có điều kiện để tiếp cận và thích ứng với những thay đổi đó một cách tương xứng với tốc độ đổi mới của doanh nghiệp nên đã phát sinh sự “lệch pha”, làm chậm quá trình phục hồi của doanh nghiệp

Đáng chú ý, những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động là một thách thức đáng lo ngại. Theo kết quả nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam do dự án Investing in Women và VBCWE thực hiện tháng 2/2022, hầu hết người trả lời cho biết họ cảm thấy "mệt mỏi và căng thẳng do Covid-19", và có xu hướng cân nhắc đến việc cắt giảm thời gian làm việc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba yếu tố cần tập trung

Chủ tịch VBCWE nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cần quan tâm đến sức khỏe nguồn lực lao động của mình, tập trung vào ba yếu tố chính.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo cần tư duy đúng và hành động tiên phong thông qua việc thiết lập khung pháp lý vững chắc trên cơ sở vì lợi ích của người lao động, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược thúc đẩy văn hóa đa dạng, hòa nhập gắn với các giá trị giới được bình đẳng tại nơi làm việc, tạo nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

3 yếu tố để phục hồi và duy trì nguồn lực bền vững
Nhiều nhà lãnh đạo đang nỗ lực tạo văn hoá đa dạng va bao trùm trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần tạo được một môi trường đủ an toàn, đủ tôn trọng với những điều kiện tối ưu để giữ chân người lao động. Bên cạnh những yếu tố về lương thưởng, các nhà lãnh đạo cần quan tâm đến xây dựng và chia sẻ niềm tin, đến các lợi ích về chăm sóc sức khỏe lợi ích và tinh thần, đến văn hóa doanh nghiệp và những giá trị cốt lõi giúp thu hút và gắn kết đội ngũ.

“Tạo dựng được một nền tảng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt giới tính, vùng miền, là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì và đảm bảo người lao động cảm thấy an vui, an toàn nguồn lực lao động một cách bền vững”, bà Thanh nói trong Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có được sự linh hoạt, đặc biệt là trong chính sách, cách thức làm việc, và cả những cơ hội lựa chọn.

Covid-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp áp dụng phương thức làm việc tại nhà, nhưng không có nghĩa đây là phương thức làm việc linh hoạt mà người lao động được lựa chọn. Họ dường như không có nhiều quyền quyết định đối với địa điểm và cách thức làm việc. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất lao động nếu cơ sở vật chất không được cung cấp đầy đủ hoặc sự thiếu rõ ràng trong công việc.

“Vì vậy, việc cho người lao động quyền lựa chọn sắp xếp công việc linh hoạt và xây dựng một cơ chế chính sách rõ ràng cũng như các điều kiện về thiết bị và công cụ dụng cụ đảm bảo cho về làm việc linh hoạt là việc các nhà lãnh đạo nên quan tâm”, Chủ tịch VBCWE nhận định.

Thứ ba, doanh nghiệp cần quan tâm đến những nhóm chịu tác động mạnh mẽ hơn. 

Các báo cáo và khảo sát gần đây của VBCWE và Deloitte cho thấy lao động nữ chịu nhiều áp lực nặng nề hơn khi phải chăm sóc gia đình và đảm đương việc nhà nhiều hơn. Những áp lực trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ không quá được cải thiện dù cho đại dịch đã qua đi.

Những báo cáo này cũng chỉ ra, tình trạng kiệt sức của đa phần phụ nữ tại nơi làm việc khiến họ giảm sự hứng thú với công việc. Điều này không chỉ đúng với nhóm lao động nữ, mà còn bao gồm các nhóm LGBT, các nhóm dân tộc thiểu số.

Do vậy, các nhà lãnh đạo cần quan tâm hơn đến cả tinh thần và thể chất cho nhóm chịu tác động nhiều hơn này thông qua những chính sách gia tăng quyền cho phụ nữ và chú trọng nhiều hơn đến các giá trị bình đẳng tại doanh nghiệp.

Tận dụng cơ hội mới

Chuyển đổi số và mô hình làm việc linh hoạt là một xu hướng tất yếu và ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai mà Covid đóng vai trò đòn bẩy. Những thay đổi mang tính chất hệ thống đó cũng làm bật lên vai trò trung tâm của nguồn lực con người là yếu tố cần được đảm bảo an toàn, nuôi dưỡng và củng cố trong dài hạn.

Để làm được điều đó trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực lao động, các nhu cầu về đa dạng, hòa nhập và bình đẳng tự nhiên trở thành giá trị cốt lõi và vô cùng cần thiết cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thiết yếu.

Theo bà Thanh, những giá trị này mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cụ thể, sự bình đẳng và đa dạng giúp tăng cường đổi mới, xây dựng thương hiệu tích cực giúp thu hút nhà đầu tư, người tiêu dùng, đối tác, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết đa dạng giới giúp lợi nhuận gia tăng 5-10%; 37% doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng 10-15% và 18% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng 15-20%.

Từ góc độ nguồn nhân lực, bình đẳng giới giúp nâng cao sự hài lòng của nhân viên, gắn kết đội ngũ, thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài. Bình đẳng giới, đa dạng và bao trùm đặc biệt có ý nghĩa với lực lượng lao động trẻ, trở thành một trong những yếu tố được cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp.