3 yếu tố tăng cường hệ miễn dịch cho doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 09:55, 12/06/2020

TheLEADERSự bền bỉ và sức bật, trí tuệ xã hội, công cụ và quy trình là 3 yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng cốt lõi của năng lực thích ứng linh hoạt (agility) trong một doanh nghiệp.

Du lịch là một trong những ngành “thê thảm” nhất trong khủng hoảng dịch Covid-19. Hiện tại, dù hàng loạt chương trình kích cầu đã được triển khai nhưng ngành du lịch vẫn chưa thể gượng dậy được do du khách nước ngoài chưa thể quay trở lại Việt Nam, nguồn thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng khiến nhu cầu đi du lịch giảm đi .

Bà Phùng Kim Vy, Chủ tịch HĐQT The Cliff Resort & Spa - một khách sạn 4 sao ở Mũi Né cho biết, trong suốt bảy năm hoạt động, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của bà đứng trước thử thách như vậy. Tuy nhiên, không vì thế mà bà bỏ cuộc, nhiều hoạt động quan trọng vẫn được duy trì và nhanh chóng thích ứng với khủng hoảng một cách chủ động để quay trở lại hoạt động ngay sau khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam.

Nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt cho doanh nghiệp
Bà Phùng Kim Vy, Chủ tịch HĐQT The Cliff Resort & Spa

Mạng lưới tiếp thị, truyền thông của công ty vẫn luôn hoạt động với slogan “ngày mai trời lại sáng”. Đội ngũ nhân viên tiếp tục tương tác với khách, kết nối với thị trường. Song song đó, đơn vị này cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá năng suất từng bộ phận, cá nhân và triển khai với nhân viên về việc thích ứng linh hoạt. Nói một cách đơn giản, việc kiểm tra lại “sức khỏe” của doanh nghiệp đã được thực hiện.

Bà Vy cho biết thêm, sau khi kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 22/4, The Cliff bắt đầu bán hàng từ 29/4, đón nhận một lượng khách khá ổn. Trong giai đoạn nghỉ lễ (30/4 - 1/5), đơn vị này đã chứng kiến những tín hiệu bán hàng ấn tượng khi có lượng đặt phòng tăng mạnh.

Chính từ kết quả khích lệ này, The Cliff đã chủ động “duy trì để hồi phục nhanh hơn", quyết định vẫn kinh doanh bình thường chứ không cắt giảm ngày hoạt động trong giai đoạn đầu hồi phục vào tháng 5/2020, dù có những ngày chỉ có mười phòng vẫn phải mở để kinh doanh..

Mặt khác, sự tồn tại của The Cliff qua dịch còn có yếu tố đóng góp không nhỏ từ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của sự đoàn kết, thương yêu, đi đầu về chất lượng từ trước. Mỗi năm, doanh nghiệp này đều có những báo cáo nghiên cứu định hướng lãnh đạo về xu hướng, năm nay là thích ứng linh hoạt trong bối cảnh thời đại số và Covid-19.

Theo một tài liệu quản trị chuyên sâu từ Dale Carnegie Việt Nam, nền tảng cốt lõi của năng lực thích ứng linh hoạt (agility) bao gồm ba yếu tố quan trọng luôn hòa quyện với sứ mệnh của doanh nghiệp gồm: Sự bền bỉ và sức bật, trí tuệ xã hội, công cụ và quy trình. Từ đó xác định năng lực hành động để thích ứng, những yếu tố này phải đi cùng/phù hợp với mục đích/sứ mệnh của tổ chức.

Nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt cho doanh nghiệp 1
Nền tảng cốt lõi của năng lực thích ứng linh hoạt

Nói về sứ mệnh của doanh nghiệp, bà Vy cho biết, phương châm của The Cliff là “phục vụ từ trái tim”. Trong giá trị bền vững có thể hiện văn hoá doanh nghiệp bền vững: Thương yêu, đoàn kết, học hỏi chất lượng và môi trường. Những giá trị đó luôn được đề cao, khích lệ, tưởng thưởng.

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để kiểm tra lại niềm tin giữa nhân viên với lãnh đạo, với sản phẩm và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để học hỏi, truyền cảm hứng cho những người xung quanh, nhìn nhận được những điều thú vị để áp dụng vào công việc.

Sự bền bỉ và sức bật

Ví dụ về sự phục hồi của phi công người Anh (bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 91 tại Việt Nam) giúp liên tưởng đến sự cần thiết của việc tạo cho cơ thể một hệ miễn dịch đủ mạnh để đề kháng và hồi phục trong những tình huống mà bản thân khó tránh khỏi, đó cũng chính là khái niệm của sự bền bỉ và sức bật.

Những yếu tố của nguồn năng lượng dự trữ được bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam tìm thấy trong tinh thần chiến đấu, sự tự tin, lạc quan hướng về những điều tốt đẹp của những người bạn bị mắc bệnh. Thái độ tích cực và sự tự tin tạo nên tâm thế sẵn sàng trong mọi việc, sức mạnh tinh thần sẽ tạo ra sức mạnh thể chất.

“Để tạo ra được sự bền bỉ, khả năng phục hồi, các nhà lãnh đạo và đội ngũ hãy luôn nuôi dưỡng cho mình nguồn năng lượng tích cực và sự lạc quan để luôn có một nguồn năng lượng dự trữ sẵn có, giúp cho chính bản thân lãnh đạo và cả những người xung quanh quay trở lại và mạnh mẽ hơn rất nhiều”, bà Linh nói.

Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam cũng chỉ ra ba nguyên tắc để xây dựng sự bền bỉ. Cụ thể, bản thân người lãnh đạo hay nhân viên cần đặt ra chủ đích rõ ràng; không được từ bỏ; những lúc mệt mỏi vì áp lực công việc, hãy thử quan sát những người xung quanh để học hỏi, nương theo, từ đó tạo nên thói quen cho bản thân, nuôi dưỡng tinh thần tích cực với tư duy “không gì là không thể”.

Đáng chú ý, trong thái độ khi tiếp nhận thông tin mới cần có sự tự tin để chuyển đổi khi bước ra khỏi vùng an toàn với năng lực cốt lõi mới. Để nhân sự có sự tự tin làm tốt công việc, doanh nghiệp cần cung cấp những nguồn lực cần thiết để họ làm chủ công việc của mình.

Trí tuệ xã hội

Trong môi trường thích ứng linh hoạt, một người cộng sự, người đồng hành có thể chia sẻ, hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thích ứng bởi nếu đi một mình sẽ rất vất vả.

Khi nhân viên chia sẻ ý tưởng thường dễ rơi vào trạng thái không an toàn về tâm lý, sợ ý tưởng không hay, dẫn đến không hiểu rõ mục tiêu, mục đích mình đang làm, ảnh hưởng đến kết quả chung. Vì vậy, người lãnh đạo nên khuyến khích cho nhân viên đưa ra ý kiến, thể hiện tinh thần lắng nghe hết sức có thể.

Nâng cao năng lực thích ứng linh hoạt cho doanh nghiệp 2
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam

Bà Linh cho biết, theo nguyên tắc của Dale Carnegie: “Khi lãnh đạo muốn tạo ra sự an toàn về tâm lý, điều đầu tiên là thay đổi bản thân, cách tiếp cận của chính lãnh đạo, điều đó sẽ tạo ra sự an toàn về tâm lý cho đội ngũ nhân viên.”

Công cụ và quy trình

Hệ thống tương tác với nhân viên, khách hàng một cách hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp phân tích những gì diễn ra xung quanh để từ đó đặt mình vào đúng bối cảnh. Có sức mạnh tinh thần, có chủ đích nhưng nếu không có công cụ, không biết tương tác hay phân tích thì chắc chắn doanh nghiệp không thể thích ứng linh hoạt.

Công cụ mang lại cho lãnh đạo doanh nghiệp “nguồn lực”, hệ thống để làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo hệ thống đang được hỗ trợ bởi những quy trình giảm thiểu mọi yếu tố về quan liêu, tập trung hoàn toàn vào hiệu quả, giúp đạt mục đích nhanh nhất có thể. Dĩ nhiên, để tạo nên một hệ thống, công cụ, doanh nghiệp sẽ mất nhiều công sức và tiền bạc nhưng lại mang tới lợi ích lâu dài và bền vững.

Một ví dụ cực kỳ rõ nét là trường hợp của Thế Giới Di Động. Doanh nghiệp này đã đạt được hiệu quả rất lớn nhờ vào hệ thống ERP tích hợp mọi chức năng. Điển hình, khi Thế Giới Di Động có sự thay đổi về giá sau khi họp bàn chiến lược, họ chỉ cần thay đổi tại trụ sở chính và những thay đổi sẽ tự động hiển thị ngay trên màn hình LED tại tất cả cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. 

Năng lực hành động để thích ứng

Sau khi có tất cả thông tin, việc đưa ra hành động là một trong những yếu tố tiên quyết. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải “dũng cảm - quyết liệt - táo bạo” bởi dù có một chiến lược hay nhưng không dũng cảm đưa ra quyết định thì cũng vô nghĩa.

Có hai yếu tố quan trọng khi nói đến xây dựng năng lực để hành động cho tổ chức. Một là, khả năng hợp tác hiệu quả giữa các phòng ban. Sẽ không ai muốn đến công ty khi có một đội ngũ không tôn trọng và không yêu thương nhau, họ phải sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ nhau. Không thể nào đạt được mục tiêu nếu không cùng đi.

Hai là, cung cấp cho đội ngũ khả năng quản trị khi có sự thay đổi. Thay đổi diễn ra hằng ngày, nếu như đội ngũ chưa sẵn sàng ứng phó trước thay đổi thì doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội.