Amazon bày cách cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua thương mại điện tử

Việt Hưng - 06:45, 17/06/2023

TheLEADERÔng Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh, xuất khẩu xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt đến 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử trong khâu sản phẩm và dịch vụ.

Là một trong những đơn vị đầu ngành của lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, Amazon đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh của thương mại điện tử tại Việt Nam? 

Ông Gijae Seong: Theo báo cáo của Access Partnership, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu qua TMĐT.

Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần ra một sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, và cả Amazon Global Selling, để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Dù 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng đến 80%, đồng thời tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%.

Chúng tôi tin rằng, các nhà sản xuất truyền thống, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, cùng với các chủ thương hiệu trẻ đều có thể xem đây là một động lực mới để nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng xuất khẩu qua TMĐT. 

Theo ông, đâu là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử?

Ông Gijae Seong: Về mặt thị trường, Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu qua TMĐT tích cực nhất của Amazon.

Khu vực châu Á nói chung bao gồm Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như: năng lực sản xuất, khả năng sáng tạo sản phẩm, nguồn nguyên liệu bản địa độc đáo.

Xuất khẩu thương mại điện tử cần 'buôn có bạn, bán có phường'
Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy sự thay đổi về loại hình doanh nghiệp khi tham gia Amazon qua từng năm. Những năm đầu tiên, đa phần các doanh nghiệp tham gia Amazon Global Selling là những nhà bán hàng độc lập, các bạn trẻ có kỹ năng bán hàng online, có kiến thức về kỹ thuật số.

Những năm gần đây, hồ sơ của các doanh nghiệp tham gia trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của các nhà sản xuất truyền thống như: hạt điều Lafooco, gia dụng Sunhouse, nón bảo hiểm Royal Helmet… Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng bắt đầu đầu tư bài bản và nghiêm túc hơn, thay vì chỉ coi đây như một cuộc chơi mang tính "lướt sóng".

Việc có thêm nhiều doanh nghiệp truyền thống tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử liệu có phải chỉ báo về một năm 2023 hứa hẹn hơn, thưa ông?

Ông Gijae Seong: Nhìn chung, năm 2023 đã tương đối ổn so với những năm đại dịch. Một điểm có thể được xem là "động thái" giúp bình ổn và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu - đó là chi phí logistics xuyên biên giới đã giảm nhiệt sau những năm biến động bởi tình hình dịch bệnh kéo dài.

Về phía Amazon, chúng tôi cũng nỗ lực kết nối, giới thiệu thêm nhiều các đơn vị cung cấp dịch vụ về hậu cần, tư vấn… để giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và tăng kinh nghiệm xuất khẩu qua TMĐT.

Năm nay, chúng tôi mong muốn tạo ra sự kết nối giữa các nhà bán hàng xuyên quốc gia, liên kết các cộng đồng nhà bán hàng ở các nước khác nhau.

Ở Việt Nam có câu "buôn có bạn, bán có phường", Amazon Global Selling cũng mong rằng các nhà bán hàng Việt Nam sẽ nhận thấy đây là một ngành nghề được quan tâm và có sự cộng hưởng từ các nhà bán hàng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Mong ông cho biết, đâu là ngành hàng nổi trội của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon? Những mặt hàng nào hiện có mức độ tiêu thụ tốt nhất?

Ông Gijae Seong: Hiện nhóm 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon trong liên tiếp 2 năm vừa qua gồm: nhà bếp; nhà cửa; may mặc; sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; tiện ích gia đình.

Nhóm nhà cửa - nội thất và nhóm nhà bếp liên tiếp dẫn đầu trong 2 năm. Năm 2022 chứng kiến sự đa dạng hơn của các sản phẩm trong 2 nhóm ngành hàng này và sản phẩm không chỉ đơn thuần là trang trí nhà cửa mà còn là những sản phẩm tiện ích và nâng cấp không gian sống - với hai xu hướng chính: sản phẩm làm từ gỗ và sản phẩm từ mây tre cói đan.

Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu về nội thất gỗ hàng đầu thế giới vào thị trường Mỹ. Các sản phẩm dụng cụ, tiện ích, trang trí nhà cửa làm từ gỗ nổi bật trên Amazon có thể kể đến như bàn ghế ngoài trời, các sản phẩm treo tường để trang trí nhà cửa hoặc không gian làm việc. 

Xuất khẩu thương mại điện tử cần 'buôn có bạn, bán có phường' 1
Xuất khẩu thương mại điện tử cần 'buôn có bạn, bán có phường'

Vậy còn các mặt hàng nông sản, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh quốc gia để xuất khẩu qua thương mại điện tử?

Ông Gijae Seong: Đúng là Việt Nam có thế mạnh nông sản. Trên Amazon, chúng tôi cũng ghi nhận sự có mặt của một số sản phẩm liên quan đến nông sản có thể tận dụng tốt xu hướng kinh doanh này. Tuy nhiên, với đặc thù của xuất khẩu qua thương mại điện tử, hàng hóa sẽ phải đi một quãng đường dài, phải lưu kho chờ đến khi khách đặt hàng, do đó doanh nghiệp phải tính toán đến chi phí lưu kho, thời gian hết hạn của sản phẩm.

Các sản phẩm nông sản tươi, kích thước nặng, hay cồng kềnh không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu TMĐT. Hiện nay, các sản phẩm nông sản chế biến như: các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack làm từ gạo, hay rong nho sấy khô sẽ có lợi thế.

Ngoài ra, cần cân nhắc đến khác biệt về nhiệt độ tại từng thị trường, hay từng mùa làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Ví dụ như ở Mỹ, nhiệt độ các mùa cũng khác nhau. Các nhà bán hàng vì thế cũng phải chú ý đến tiêu chí này.

Một vấn đề khác mà bản thân tôi quan sát thấy là nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản thường gắn thông điệp "Made in Vietnam".

Chúng tôi hiểu sự tự hào về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là cách tiếp thị tối ưu với khách hàng quốc tế. Vì trên sân chơi này, người tiêu dùng hiểu rằng chất lượng là điều bắt buộc và thường ít khắt khe về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Họ chủ yếu tìm kiếm đặc tính nào đó của sản phẩm, hoặc thương hiệu.

Ví dụ, có những khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm organic, hay sẽ chỉ tìm các sản phẩm có cách thức đóng gói thân thiện với môi trường. Đối với thị trường các nước phát triển, cần chú ý tiếp thị dựa vào thứ khách hàng tìm kiếm, hơn là chỉ giới thiệu cái mình nghĩ là quan trọng.

Thay vì nói về những thứ chúng ta có, là gạo , cà phê "Made in Vietnam", thì hãy nói với khách hàng về những gì họ đang tìm kiếm. Chúng ta hãy mở rộng hơn ngoài những câu chuyện truyền thống, hãy nói những câu chuyện mang tính toàn cầu hơn.

Tôi tin đây là cách để nông sản Việt Nam hoà vào dòng chảy hiện nay, từng bước toàn cầu hoá, một cách công bằng, sòng phẳng, để rộng mở các cơ hội cho nông sản Việt Nam và các sản phẩm tiêu dùng nói chung ở sân chơi xuất khẩu TMĐT.