Bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch Eximbank

Trần Anh - 17:56, 17/02/2022

TheLEADERViệc Eximbank hoàn tất được vấn đề nhân sự và bầu ra được chủ tịch mới tạo kỳ vọng ngân hàng sẽ sớm giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông để quay lại con đường phát triển.

Bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch Eximbank
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank vừa chính thức ban hành nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị sau cuộc họp diễn ra chiều ngày 17/2. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, bà Tú cũng là thành viên HĐQT duy nhất của nhiệm kỳ cũ có tên trong danh sách ứng cử và đề cử vào HĐQT mới.

Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, có trình độ Cử nhân Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Văn Lang, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Griggs. Bà từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Nam A Bank.

Tháng 4/2018, bà Tú trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng này. Bà cũng là người duy nhất trong số 4 ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank thời điểm đó. Tháng 3/2019, bà Tú từng được bầu làm chủ tịch Eximbank thay thế cho ông Lê Minh Quốc.

Việc Eximbank hoàn tất được vấn đề nhân sự và bầu ra được chủ tịch mới tạo kỳ vọng ngân hàng sẽ sớm giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông để quay lại con đường phát triển.

Từng là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động của Eximbank gần như đình trệ trong những năm gần đây khi ngân hàng không tăng trưởng tín dụng mà chỉ tập trung xử lý nợ xấu.

Trước khi ĐHCĐ Eximbank diễn ra, Eximbank vừa thông báo chấm dứt mối quan hệ hợp tác chiến lược với SMBC. Đây có thể là tiền đề để SMBC bán hết cổ phần khỏi ngân hàng này, nhường lại cho một nhóm cổ đông chiến lược trong nước. Dự báo này càng có cơ sở khi nhiều thông tin cho biết SMBC đang tiến rất gần tới việc trở thành cổ đông chiến lược của của một ngân hàng khác tại Việt Nam.

Mặc dù đã có bước tiến mới, song những mâu thuẫn tại Eximbank dường như vẫn chưa thể kết thúc khi khá nhiều tờ trình đã không được ĐHCĐ thông qua. Cụ thể, sau 6 tiếng đại hội, bên cạnh nhân sự, chỉ có 6 tờ trình được thông qua và có tới 26 tờ trình đã không được cổ đông thông qua do tỷ lệ tán thành chỉ dưới 50%. Trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến báo cáo hoạt động của Ban điều hành, HĐQT, Ban Kiểm soát; kinh phí hoạt động và thù lao;… Đặc biệt, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận của Eximbank cũng không được cổ đông thông qua.