Bài toán kinh doanh của nhà máy điện rác 7.100 tỷ đồng tại Hà Nội

Nguyễn Cảnh - 08:31, 02/08/2021

TheLEADERHà Nội vừa có yêu cầu cụ thể về tiến độ cho dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn trị giá hơn 7.100 tỷ đồng.

Bài toán kinh doanh của nhà máy điện rác 7.100 tỷ đồng tại Hà Nội
Theo kế hoạch của chủ đầu tư, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ bắt đầu nhận rác ngay từ đầu tháng 8/2021 (ảnh: moc.gov.vn)

Nhà máy điện rác Sóc Sơn đặt tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, có công suất 4.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 75MW, sản lượng điện phát lên lưới trung bình khoảng 319.800MWh/năm. 

Dự án do Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 7.170 tỷ đồng (vốn tự có khoảng 1.433 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng), thời gian của dự án 30 năm.

Về pháp nhân chủ đầu tư, Công ty Thiên Ý có vốn điều lệ khoảng 1.436 tỷ đồng, do liên doanh 3 nhà đầu tư thành lập từ tháng 3/2018. 

Liên doanh này gồm: Công ty CP Năng lượng tái tạo Sóc Sơn (địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) do ông Đinh Văn Hạnh đại diện pháp lý; Công ty Europe Tianying BVBA (địa chỉ tại Bỉ) do Yan Shengjun đại diện và Perfect Wave Holdings Limited (địa chỉ tại British Virgin Islands – một trong những thiên đường thuế của thế giới) do Xie Yang làm đại diện pháp lý.

Đáng chú ý, liên doanh nhà đầu tư tự giới thiệu đã thực hiện hàng loạt dự án tương tự. Trong danh sách này, ngoại trừ 2 dự án điện rác công suất 1.000 tấn/ngày đang thực hiện tại tỉnh Phú Thọ (huyện Phù Ninh) và Thanh Hóa (Thị xã Bỉm Sơn), ghi nhận 7 dự án đều tại Trung Quốc đã hoàn thành, vận hành với công suất từ 700 tới 1.800 tấn rác/ngày.

Công ty CP Năng lượng tái tạo Sóc Sơn (được thành lập từ việc tách từ Công ty Thiên Ý) sở hữu dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. 

Europe Tianying BVBA là công ty 100% vốn của Công ty CP tập đoàn China Tianying Inc. (CNTY), với hoạt động chính là đầu tư, xây dựng, vận hành các dự án bảo vệ môi trường và nghiên cứu, vận hành các thiết bị bảo vệ môi trường.

CNTY đã trở thành công ty xử lý chất thải rắn lớn thứ tư thế giới thông qua việc mua lại công ty Urbaser (Công ty quản lý chất thải lớn nhất Tây Ban Nha), kinh doanh bao gồm toàn bộ dây chuyền xử lý chất thải rắn trên khắp 10 quốc gia.

Perfect Wave Holdings Limited (đầu tư các dự án bảo vệ môi trường với thế mạnh tài chính) là công ty nắm cổ phần chi phối của Tập đoàn Great Water, đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).

Theo tính toán, với giá thành điện tiêu thụ khoảng 0,1 USD/kWh, điện năng hàng năm được bán khoảng 319 triệu kWh, dự án sẽ có doanh thu bán điện khoảng 32 triệu USD. 

Bên cạnh đó, doanh thu dự án còn đến từ phí dịch vụ xử lý rác (khoảng 30 triệu USD/năm). Dự kiến trả nợ vay (lãi suất hàng năm 5,88%) trong 12 năm (kể cả giai đoạn xây dựng), dự án sẽ hoàn vốn trong khoảng 16 năm. 

Giá mua điện rác được quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BCT của Bộ Công thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. 

Theo đó, giá mua đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 10,05 UScents/kWh. Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 7,28 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Dự án được TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối 2017. Gần 3 năm sau đó, TP. Hà Nội lập tổ công tác tập trung giải quyết các vướng mắc tồn tại để thúc đẩy tiến độ dự án.

Trước thực trạng dự án vẫn khá chậm tiến độ, TP. Hà Nội vừa tiếp tục có kế hoạch hành động yêu cầu nhà đầu tư bố trí đủ nguồn lực về con người, tài chính, bộ máy nhân sự, vượt qua các khó khăn do dịch Covid-19 để hoàn thành dự án, hoạt động tiếp nhận, xử lý rác theo tiến độ.

Nhằm chuẩn bị cho vận hành nhà máy, ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch phân luồng tiếp nhận rác được chuyển về nhà máy trong năm 2021.

Căn cứ kế hoạch tiếp nhận rác nhà máy đốt rác phát điện của chủ đầu tư, ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị vừa lên kế hoạch phân luồng rác thải tại 17 quận, huyện chuyển về.

Trong đó, thống nhất rõ khối lượng, thời gian tiếp nhận rác của Công ty Thiên Ý Hà Nội đối với các đơn vị vận chuyển, bắt đầu lần lượt theo tiến độ từ tháng 8/2021.

Cụ thể, tháng 8/2021, nhà máy sẽ tiếp nhận 525 tấn rác. Trong đó, ngày 1/8 tiếp nhận 230 tấn từ quận Hoàn Kiếm; ngày 11/8 tiếp nhận 125 tấn từ huyện Mê Linh và ngày 21/8 tiếp nhận 170 tấn từ huyện Sóc Sơn.

Trường hợp nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý Hà Nội thay đổi kế hoạch tiếp nhận rác, ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội sẽ chủ động điều chỉnh, thông báo tới các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải để thực hiện.

Nhà máy đốt rác phát điện (phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa làm chủ đầu tư có diện tích trên 10 ha; công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm; chia làm 2 giai đoạn. 

Mỗi giai đoạn đều có công suất khoảng 500 tấn/ngày đêm, tổng mức đầu tư 90 triệu USD. Đầu năm 2021, qua kiểm tra rà soát của địa phương cho thấy, do chậm tiến độ thực hiện, dự án phải gia hạn nhiều lần ảnh hưởng đến công tác xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn. Hiện, lượng rác tồn đọng trên địa bàn ngày càng lớn.

Tỉnh cho biết sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ theo quy định; có cam kết bằng văn bản về tiến độ thực hiện dự án; đến 31/7/2021, nhà đầu tư phải hoàn thành những thủ tục liên quan và không gia hạn thêm.