‘Bạn hàng’ nông sản lớn nhất của Việt Nam không còn ‘dễ tính’

Hoàng Đông - 10:00, 19/06/2023

TheLEADERTrung Quốc là thị trường của hơn 50% tổng lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nông sản vào Trung Quốc sẽ không còn dễ dàng như trước bởi thị trường này đang không ngừng nâng cao tiêu chuẩn.

Tính đến hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại cũng như thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính riêng năm 2022, khi Trung Quốc vẫn còn đang thực hiện “zero Covid-19”, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt hơn 175 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 58 tỷ USD.

Đến đầu năm 2023, việc Trung Quốc tái mở cửa giúp hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này phục hồi tích cực. Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, cho biết, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ tháng 2/2023.

Dự kiến, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị cũng như kinh tế toàn cầu, Trung Quốc sẽ là “bệ đỡ” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nhờ vào nhu cầu tăng cao, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí cũng như rủi ro thấp hơn so với việc xuất khẩu sang những thị trường khác.

Cùng chung nhận định lạc quan về xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản sang Trung Quốc, tuy nhiên, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, cho biết, trong thời gian tới, nông sản muốn thuận lợi xuất sang thị trường tỷ dân này cần phải có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Lấy ví dụ từ trái thanh long, theo ông Cường, Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, chứng tỏ có nhu cầu rất cao về loại trái cây này. Tuy nhiên, những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu thanh long của Trung Quốc có chiều hướng giảm do Trung Quốc phát triển diện tích canh tác thanh long trong nước. Để trái thanh long tiếp tục xuất sang Trung Quốc, nông dân và doanh nghiệp phải nâng cao những yếu tố như độ ngon ngọt, đẹp mắt, đồng thời giảm giá thành để duy trì sức cạnh tranh với thanh long Trung Quốc.

Tương tự đối với quả sầu riêng, dù là một loại nông sản cực kỳ tiềm năng nhưng cũng đang và sẽ tiếp tục bị cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều đối thủ. Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích trồng sầu riêng, do đó Việt Nam phải nâng cao chất lượng, duy trì uy tín thì mới có cơ hội chiếm lĩnh được thị trường cho loại nông sản này.

Thực tế cho thấy, bên cạnh yếu tố vị trí địa lý, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt rất “thích” sang Trung Quốc là do thị trường này được xem là một thị trường tương đối dễ tính. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế cũng như mức sống người dân, Trung Quốc đang dần nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam “lọt top” 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng nông sản bị Trung Quốc cảnh báo nhiều nhất, với các lỗi phổ biến như nông sản chưa đảm bảo chất lượng; vi phạm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng hóa không khớp với hồ sơ, chứng từ; không đảm bảo tem nhãn đạt chuẩn cho hàng hóa…, tập trung chủ yếu vào hàng thủy sản và nước trái cây.

Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không còn dễ dãi đối với nông sản Việt, cũng tức là bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp nông sản cũng không còn “dư địa” để tiếp tục dễ dãi với chính nông sản của mình. Nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều lợi thế tương đồng với Việt Nam và sẵn sàng thế chân vai trò Việt Nam trong việc cung ứng nông sản cũng như nhiều loại hàng hóa khác cho Trung Quốc.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần nắm vững hệ thống quy định, tiêu chuẩn của thị trường này, đặc biệt là một số văn bản quan trọng như Lệnh 248, Lệnh 249, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, quy định tem nhãn, bao bì… để có kế hoạch thích ứng kịp thời.