Bầu Hiển âm thầm mở siêu thị trong thế trận 'hai gọng kìm'

An Chi - 15:36, 16/03/2018

TheLEADERVới một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt và chật cứng dấu chân của các đại gia bán lẻ, liệu quyết định mở chuỗi siêu thị Qmart và Qmart+ có phải là “canh bạc” của bầu Hiển?

Theo chân Vinmart

Tháng 10/2017, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (tên thân mật bầu Hiển) làm chủ tịch đã bất ngờ thành lập Công ty T&T Consumer để xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống chuỗi siêu thị mang thương hiệu Qmart với mục tiêu phủ sóng toàn quốc.

Rất nhanh sau đó, chỉ hơn hai tháng sau khi ra mắt thương hiệu, T&T Consumer đã liên tiếp khai trương bốn siêu thị Qmart và Qmart+ tại Hà Nội.

Trong đó, hai siêu thị mang thương hiệu Qmart được đặt tại số 440 Vĩnh Hưng và số 10 Nguyễn Đức Cảnh với quy mô diện tích mỗi siêu thị là 700m2. Hai siêu thị mang thương hiệu Qmart+ được đặt tại tại 344 Khâm Thiên và 164 Trần Quang Khải với quy mô mỗi siêu thị là 100m2.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T tiết lộ trên trang web của tập đoàn rằng trong thời gian tới, Qmart sẽ tiếp tục mở thêm nhiều siêu thị để thuận tiện hơn cho khách hàng.

Bầu Hiển âm thầm mở siêu thị trong thế trận 'hai gọng kìm'
Tập đoàn T&T khai trương bốn siêu thị Qmart tại Hà Nội

Bước đi thần tốc của T&T trong việc lấn sân vào thị trường bán lẻ khiến dư luận gợi nhớ đến chặng đường mà Vingroup đã đi trước đó khi doanh nghiệp này thông báo mua lại chuỗi siêu thị Oceanmart của Ocean Group cuối năm 2014. 

Ngay sau đó, Oceanmart được đổi tên thành Vinmart và liên tục mở rộng mạng lưới với tốc độ chóng mặt. Vinmart cũng thể hiện tham vọng ngay từ đầu khi công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam chỉ trong ba năm.

Nếu như thời điểm tháng 6/2015, hệ thống này mới có 16 siêu thị Vinmart và 35 cửa hàng tiện lợi thì đến cuối tháng 12/2017, Vinmart đã có 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu đầy tham vọng với 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng vào năm 2020. 

Trong lịch sử ngành phân phối bán lẻ Việt Nam, chưa doanh nghiệp nào có thể đạt được cả quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh như Vinmart. Và tới đây, khi T&T bước chân vào thị trường, họ sẽ khó tránh được việc phải cạnh tranh trực tiếp với 'người anh' này.

Có thể, T&T tự tin nhanh chóng thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh mặt bằng để mở siêu thị vi T&T là một chủ đầu tư bất động sản lớn và đang triển khai xây dựng nhiều dự án bất động sản từ Bắc - Trung - Nam nên có lợi thế dễ dàng tiếp cận mặt bằng kinh doanh hơn là đi thuê bên ngoài. Trong đó, siêu thị Qmart đầu tiên tại 440 Vĩnh Hưng được mở tại chân toà nhà căn hộ T&T Riverview do T&T Land phát triển. Đây cũng là lợi thế mà không phải nhà bán lẻ nào cũng có được.

Việc đặt siêu thị và của hàng trong những dự án do T&T đầu tư vừa gia tăng giá trị và tiện ích cho dự án, vừa mang lại lơi nhuận nếu đầu tư có hiệu quả. Đây cũng chính là chiến lược mà Vingroup đã thực thi hiệu quả thông qua các chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ và trung tâm thương mại Vincom tích hợp trong các dự án nhà ở.

Cuộc chiến khốc liệt với bán lẻ ngoại

Dù sở hữu nhiều lợi thế và đã thành công tại nhiều lĩnh vực, song T&T cũng chỉ là một “tay ngang”, một thương hiệu đi sau trên thị trường bán lẻ đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nơi mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ nội "kỳ cựu" cũng đang khó có thể giữ vững được vị thế trên thị trường bởi làn sóng đầu tư ồ ạt của các đại gia bán lẻ ngoại.

Với quy mô trên 90 triệu dân, trong đó gần 40% dân thành thị, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Đặc biệt, với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập, sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam đang đặt sức ép cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực này.

Thách thức của Qmart giờ đây không chỉ đối với những người anh của mình như Vinmart hay Saigon Co.op mà cuộc chiến khó khăn hơn là đối với hàng loạt những đại gia ngoại.

Nổi bật trong đó, 'ông lớn' Aeon Mall đang cho thấy rõ tham vọng mở rộng mạnh mẽ hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Aeon Mall đã thông báo sẽ mở thêm trung tâm thương mại Aeon thứ hai Hà Nội, quy mô 192 triệu USD dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2019.

Đây cũng là trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam sau khi tập đoàn này thử nghiệm thành công mô hình trung tâm thương mại kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, tập đoàn này mới chỉ đi được 1/4 chặng đường trong mục tiêu thành lập tổng số 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020.

Cùng với đó, Aeon cũng đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, với mục tiêu hướng đến là 100 điểm thương mại. Hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart.

Takashimaya, một ông lớn khác trong lĩnh vực bán lẻ Nhật cũng đã đầu tư khoảng 47 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2012 bao gồm Trung tâm thương mại Saigon Centre và nhiều bất động sản khác.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản là 7-Eleven cũng tuyên bố sẽ có thêm khoảng 20 cửa hàng ra đời trong năm 2017 và sẽ tăng thành 100 cửa hàng trong 3 năm tiếp theo.

Trước đó, siêu thị Big C đã về tay tập đoàn gia đình Thái Lan Central Group với giá 1,14 tỷ USD và tiếp tục củng cố vị thế khi không ngừng mở rộng. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K và Family Mart cũng không ngừng bành trướng ở cả TP. HCM và Hà Nội.

Mới đây nhất, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc là GS25 cũng đã chính thức hiện diện tại Việt Nam khi mở cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM. Mục tiêu của GS Retail và Sơn Kim Land là mở 2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong 10 năm tới. 

Sự tham gia ồ ạt của các doanh nghiệp ngoại đang đặt các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước những thách thức cạnh tranh "nghẹt thở" ngay trên sân nhà. Thất bại của các chuỗi siêu thị trước đó như Oceanmart, Hiway SupperCenter vẫn đang là một bài học nhãn tiền đắt giá mà không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng có thể vượt qua.

Các công ty nước ngoài có lợi thế hơn so với doanh nghiệp Việt về kỹ năng quản trị, vốn. Công ty mẹ của những doanh nghiệp này là những đại gia bán lẻ toàn cầu, họ có lượng vốn lớn và thường có chiến lược chịu lỗ để thâu tóm thị phần, xây dựng thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam. 

Sự tăng tốc của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã đi trước một bước kết hợp với sự bành trướng của các thương hiệu ngoại đặt chuỗi Qmart và Qmart+ vào thế trận 'hai gọng kìm'.